(Báo Quảng Ngãi)- Tận tâm theo dõi từng hơi thở, nhịp tim, giọt máu cho đến khẩu phần ăn, việc vệ sinh hằng ngày... những công việc tưởng chừng như đơn giản ấy của các điều dưỡng nhưng đã góp phần cùng với các bác sĩ chăm sóc, điều trị, giúp bệnh nhân vượt qua những cơn đau bệnh tật.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những cống hiến thầm lặng
Hơn 30 năm làm điều dưỡng trực tiếp chăm sóc người bệnh, điều dưỡng trưởng Lê Nguyễn Tuyết Mai, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh) đã “nếm” đủ cay đắng, ngọt bùi của nghề. Đối với bệnh viện, Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực là nơi tiếp nhận đa số bệnh nhân nặng. Cán bộ điều dưỡng như chị Mai luôn ở bên cạnh cấp cứu, chăm sóc, vệ sinh cho người bệnh.
“Từ lúc bệnh nhân vào viện đến ra viện, hầu hết khối lượng công việc do điều dưỡng thực hiện, từ nhận bệnh, thăm khám sơ bộ, nhận định đánh giá nhu cầu của người bệnh, đo các dấu hiệu sinh tồn, phối hợp với bác sĩ thực hiện y lệnh trong ngày. Sau đó phải theo dõi người bệnh giúp bác sĩ phát hiện những bất thường để xử lý. Công việc tuy chịu nhiều áp lực, song điều dưỡng phải luôn nhẹ nhàng, kiên nhẫn, động viên người bệnh”, chị Mai tâm sự.
Điều dưỡng Đặng Thị Tiên (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) hằng ngày gắn bó với công tác chăm sóc cho các bé sơ sinh thiếu ký. |
Dù công việc vất vả, áp lực, nhưng hạnh phúc nhất của những điều dưỡng như chị Mai là mỗi ngày cùng ê kíp giành giật lại sự sống cho người bệnh. Đây cũng chính là động lực giúp họ gắn bó hơn với nghề.
Còn với điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) Nguyễn Thị Phượng trong suốt 15 năm công tác, chị đã góp phần giúp rất nhiều sản phụ vượt cạn thành công, rồi chăm sóc hậu phẫu sau sinh, tắm rửa, vệ sinh cho các bé sơ sinh...
“Điều dưỡng thường xuyên phải nghe những lời khó nghe từ người bệnh khi họ lên cơn đau, hay người nhà quá khích... Nhưng đã gắn bó với nghề thì phải luôn xác định người bệnh là trên hết. Mình phải luôn lắng nghe, thấu hiểu và giải thích chu đáo, tận tình mới làm hài lòng bệnh nhân”, chị Phượng tâm tình. Giờ đây, với cương vị điều dưỡng trưởng, chị Phượng tiếp tục cống hiến hết mình trong công việc và truyền đạt kinh nghiệm cho những điều dưỡng viên trẻ.
Quê ở huyện Lý Sơn, điều dưỡng Đặng Thị Tiên 3 năm qua gắn bó với công tác điều dưỡng tại Khoa Nhi sơ sinh (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) và năm nào chị cũng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mới đây, tại Hội thi điều dưỡng giỏi toàn bệnh viện, chị Tiên xuất sắc giành giải nhất phần thi tay nghề, kiến thức điều dưỡng. Đặng Thị Tiên tâm sự: “Dù vất vả, nhưng bù lại mình cũng có niềm vui riêng. Bởi hằng ngày được chăm sóc các bé mới sinh. Nghe tiếng khóc đầu đời của trẻ thơ, chúng tôi như quên hết nhọc nhằn”.
"Làm dâu trăm họ"
Đối với các điều dưỡng ở bệnh viện, mỗi buổi trực đêm là gần như thức trắng, làm việc trái giờ gây nhiều mệt mỏi, nhưng họ lúc nào cũng phải tỉnh táo, để kịp thời tham gia cấp cứu cho người bệnh khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Các điều dưỡng có con nhỏ phải gửi cho người thân trông coi, để đến viện trực đêm, tận tụy chăm sóc người bệnh. Dịp lễ, Tết, trong lúc mọi người quây quần bên gia đình, thì họ phải thay phiên nhau miệt mài với công việc.
Trưởng phòng Điều dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) Trần Đại Nghĩa chia sẻ: Nhiều người ví von nghề điều dưỡng là "làm dâu trăm họ", bởi tính chất công việc của họ là phải chăm sóc, phục vụ người bệnh một cách tận tình. Toàn bệnh viện hiện có gần 340 điều dưỡng. Chúng tôi luôn tổ chức hội thi tay nghề, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, kỹ năng giao tiếp hằng năm, để những điều dưỡng nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh”.
Vẫn biết chọn nghề điều dưỡng là lựa chọn con đường nhiều vất vả và áp lực, nhưng họ đều có điểm chung là lòng yêu nghề, sự tận tâm và tình thương, trách nhiệm đối với người bệnh. Họ như bông hoa thầm lặng tỏa hương trong vườn hoa y tế.
Bài, ảnh: KIM NGÂN