(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, trong năm 2019 Quảng Ngãi sẽ triển khai xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn tỉnh. Cùng với đó sẽ tiến tới thực hiện ứng dụng bệnh án điện tử (BAĐT) tại các bệnh viện.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử
Ngành y tế đang xây dựng nền y tế thông minh dựa trên nền tảng quản trị thông minh, bệnh viện thông minh và quản lý hồ sơ sức khỏe thông minh. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và theo lộ trình từ tháng 7.2019 sẽ triển khai toàn quốc. Theo đó, Quảng Ngãi cũng sẽ ứng dụng triển khai cho tất cả 183 trạm y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. |
Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân (QLSKCN), cụ thể là mỗi người dân sẽ được lập một hồ sơ duy nhất kèm theo một mã ID (mã định danh cá nhân) và cập nhật trên hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Trong hồ sơ này bao gồm những thông tin về cá nhân, gia đình, BHYT, tiền sử bản thân, dị ứng, nhóm máu, lịch tiêm chủng, lịch sử khám chữa bệnh, khám thai, sinh đẻ, tai nạn thương tích, bệnh nghề nghiệp... của người dân.
Đến thời điểm này, huyện Bình Sơn là một trong những địa phương sớm triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm của Viettel về QLSKCN. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn Võ Hùng Viễn cho biết: Đơn vị đã triển khai từ đầu năm đến nay, tỷ lệ người dân được lập hồ sơ QLSKCN ở một số địa phương trên địa bàn huyện đạt tương đối cao. "Khi ứng dụng phần mềm này, Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế dễ dàng nắm được các thông tin bệnh nhân, giúp thầy thuốc chẩn đoán nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc điều trị”, ông Viễn nói.
Tuy nhiên, theo ông Viễn, để ứng dụng này đi vào hoạt động, thì phải chờ UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai trên phạm vi toàn tỉnh mới có kinh phí để duy trì hoạt động. Dự kiến đầu tháng 7 tới, huyện mới đưa vào ứng dụng trong khám chữa bệnh.
Để triển khai ứng dụng CNTT trên tại các cơ sở y tế, hiện Sở Y tế cũng đang tham quan, học tập các mô hình ở các tỉnh, thành để triển khai Đề án Thiết lập hệ thống số sức khỏe điện tử đến từng người dân trên phạm vi toàn tỉnh theo lộ trình quy định của Bộ Y tế.
Tiến tới thành lập bệnh án điện tử
Theo Thông tư 46 của Bộ Y tế, giai đoạn 2019 - 2023, các bệnh viện hạng I triển khai BAĐT thay bệnh án giấy, giai đoạn 2024 - 2030 sẽ triển khai ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) còn lại. Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh hiện đang ở giai đoạn chuẩn bị hạ tầng, nhân lực để thực hiện.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phạm Ngọc Lân cho biết: Những năm gần đây, bệnh viện tăng cường ứng dụng CNTT để đáp ứng công tác KCB, giảm phiền hà, chờ đợi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để tiến tới ứng dụng BAĐT tại đơn vị phải cần có lộ trình. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận và khám, điều trị cho khoảng 1.000 lượt bệnh nhân. Vì vậy, bệnh viện phải bố trí nhiều nhân sự để quản lý khối lượng bệnh án giấy khổng lồ như hiện nay. "Bệnh án điện tử sẽ giúp bệnh viện lưu trữ hồ sơ an toàn hơn nhiều so với hồ sơ giấy, cũng như giúp bác sĩ tìm kiếm thông tin nhanh chóng. Thời gian tới, bệnh viện sẽ triển khai thí điểm tại một số khoa, sau đó ứng dụng cho toàn bệnh viện”, ông Lân nhấn mạnh.
Lãnh đạo một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh cho rằng, việc thực hiện BAĐT là chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở KCB cũng như bệnh nhân. Hiện nay, đa số các cơ sở y tế đã triển khai nối mạng máy tính trong việc KCB, kết nối với cổng thanh toán BHYT. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện bệnh án trên hệ thống điện tử, lưu trữ trên máy tính thì chưa làm được do còn thiếu về hạ tầng, con người. Do đó, các đơn vị sẽ thực hiện từng phần, có lộ trình cụ thể.
Bài, ảnh: TR.PHONG