Đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh

11:08, 09/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, doanh nghiệp (DN) cần đẩy mạnh các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
 
 
 
Đổi mới thiết bị, công nghệ cơ khí
 
Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất và Thương mại Phước An là một trong những DN đi đầu trong việc đổi mới thiết bị, công nghệ trong sản xuất. Công ty đã áp dụng máy cắt ống laser FLT6016L trong quá trình cắt ống kim loại, nhờ đó có thể cắt bằng, khoan góc; cắt góc 45 độ; cắt hình lục giác, chữ nhật, vuông...
 
Máy cắt Plasma LG-200HA Pro được đầu tư tại Công ty CP Cơ khí và Xây lắp An Ngãi.
Máy cắt Plasma LG-200HA Pro được đầu tư tại Công ty CP Cơ khí và Xây lắp An Ngãi.
Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất và Thương mại Phước An Đỗ Tuyên Phước cho biết, trước kia nhà máy dùng phương pháp cũ như dùng đá cắt, đĩa kim loại, lưỡi cắt. Để gia công sản phẩm inox khoảng 270 tấn/năm cho công đoạn cắt ống phải tốn chi phí tiền điện gần 64 triệu đồng,  nhân công trên 680 triệu đồng và chi phí nguyên phụ liệu khoảng 15 tỷ đồng.
 
“Việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ đã giúp công ty phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu tăng 20% so với trước”.
 
  Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí và Xây lắp An Ngãi PHẠM VĂN HOÀNG

Nhưng sau khi đầu tư máy cắt ống laser FLT6016L, chi phí điện tiêu hao chỉ còn trên 7 triệu  đồng, nhân công xấp xỉ 97 triệu đồng và nguyên phụ liệu gần 14 tỷ đồng. Việc áp dụng máy móc, thiết bị công nghệ mới đã giảm chi phí 8,7%, lợi nhuận của DN tăng nhiều lần so với trước. Sản phẩm tạo ra chính xác, đẹp, đa dạng, đồng bộ. Công nhân điều khiển máy cắt ống tự động và bằng màn hình cảm ứng nên thao tác vận hành nhẹ nhàng, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng sản lượng và tăng thu nhập cho người lao động. Qua hơn 20 năm hoạt động sản xuất, công ty cung ứng sản phẩm về nội thất cho thị trường trong nước và xuất khẩu trên 150 nghìn sản phẩm/năm.

 
Công ty CP Cơ khí và Xây lắp An Ngãi cũng đã đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ trong sản xuất kết cấu thép tại Nhà máy Cơ khí Quảng Ngãi, với tổng kinh phí gần 2,2 tỷ đồng. Đó là các máy cắt Plasma/hơi điều khiển kỹ thuật số; máy cắt Plasma LG-200HA Pro; máy hàn bán tự động Ehave CM500 - Megmeet (TP7); máy hàn MIG/MAG CO2 Ehave CM500 (TP2); máy đột dập liên hợp Model IRO20 và dàn cổng trục đôi 3T và phần mềm phân tích kết cấu thép Rdsteel v9.8. Các máy móc này được đưa vào hoạt động vào cuối tháng 10/2019. Qua đó, giúp công ty giảm điện năng tiêu thụ khoảng 18%/tấn sản phẩm; chi phí nhân công thực hiện giảm hơn 28%/tấn sản phẩm so với công nghệ cũ và tăng lợi nhuận cho DN gần 40%/tấn sản phẩm.
 
Máy cắt ống laser FLT6016L được đưa vào vận hành tại nhà máy của Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất và Thương mại Phước An.
Máy cắt ống laser FLT6016L được đưa vào vận hành tại nhà máy của Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất và Thương mại Phước An.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí và Xây lắp An Ngãi Phạm Văn Hoàng, sau khi đầu tư máy cắt Plasma/hơi điều khiển kỹ thuật số và máy cắt Plasma LG-200HA Pro đã giúp công ty tiết kiệm vật tư, thời gian gia công. Mạch cắt bằng công nghệ Plasma trơn nhẵn và chính xác hơn sản xuất theo thiết bị, máy móc công nghệ cũ. Sản phẩm đạt chất lượng cũng đồng đều, thẩm mỹ hơn. “Việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ đã giúp công ty phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi doanh thu tăng 20% so với trước”, ông Hoàng nói.
 
Trang bị kho lạnh bảo quản hạt giống
 
Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp TBT đã trang bị hệ thống kho lạnh gồm: Thiết bị làm mát máy nén lạnh, máy ngưng tụ, dàn bay hơi và thiết bảo ôn... Nhờ đó, giúp công ty duy trì ổn định chất lượng hạt giống trong quá trình bảo quản. Thời gian bảo quản kéo dài gấp đôi so với trước đây, nhưng chất lượng hạt giống vẫn không suy giảm. Sản phẩm xuất ra thị trường tiêu thụ đảm bảo chất lượng, nâng cao uy tín thương hiệu. Tình trạng lúa giống quá vụ do bảo quản phải chuyển sang lúa thịt gây thất thu lớn cho DN trước đây cũng được khắc phục.
 
Hệ thống kho lạnh bảo quản hạt lúa giống của Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp TBT.
Hệ thống kho lạnh bảo quản hạt lúa giống của Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp TBT.
Qua tính toán sơ bộ, từ khi đưa hệ thống kho lạnh vào bảo quản hạt giống đã giúp Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp TBT gia tăng hiệu quả kinh doanh từ 700 - 900 triệu đồng/năm (trong đó có khoảng tiết kiệm được từ 500 - 700 triệu đồng nhờ bảo quản kho lạnh mang lại). Ngoài ứng dụng hệ thống kho lạnh, 2 năm gần đây, công ty đã lắp đặt thêm hệ thống dây chuyền sấy khô, sàng phân loại làm sạch và đóng gói hạt giống hoàn chỉnh từ lúa tươi nguyên liệu ngoài đồng đến thành phẩm. Hệ thống này được hỗ trợ thông qua dự án liên kết sản xuất hạt giống lúa xác nhận và gạo theo chuẩn VietGAP.
 
“Dây chuyền sấy - làm sạch và đóng gói hạt giống đã nâng cao chất lượng, độ đồng đều cho sản phẩm. Đồng thời, tăng công suất nhà máy 1,5 lần và tăng năng suất lao động của công nhân, qua đó giúp thu nhập của nhân viên, người lao động tăng từ 5 - 6 triệu đồng/tháng lên 7,5 - 8 triệu đồng/tháng”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp TBT Phạm Văn Thi cho biết.
 
Hỗ trợ chuyển giao công nghệ
 
Trên thực tế, việc đổi mới thiết bị công nghệ đã giúp cho các DN trên địa bàn tỉnh tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động. Đồng thời, góp phần tăng năng lực sản xuất của DN, nâng cao vị trí của DN trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các tổ chức, DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh có máy móc, thiết bị, công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên, vật liệu; nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; giá trị tăng thêm, sức cạnh tranh thấp.
 
Để hỗ trợ DN đổi mới thiết bị công nghệ, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH-CN và DN KH&CN tỉnh đến năm 2030. Mục tiêu đề ra là, mỗi năm hỗ trợ từ 1 - 2 DN có dự án chuyển giao công nghệ từ tổ chức KH&CN; hỗ trợ 5 - 6 dự án đổi mới công nghệ của DN; hỗ trợ 5 - 6 lượt tổ chức, DN, cá nhân tham gia trưng bày sản phẩm tại chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), trình diễn kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), triển lãm sáng chế (Invention Exhibition), triển lãm sản phẩm KH&CN trong và ngoài nước.
 
Cùng với đó là hình thành và duy trì hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, điểm hỗ trợ giao dịch và kênh thông tin công nghệ tại địa phương. Phấn đấu đến năm 2030, tổ chức ít nhất một sự kiện kết nối cung cầu khu vực miền Trung và Tây Nguyên; hằng năm hỗ trợ hình thành ít nhất từ 1 - 2 DN KH&CN trên địa bàn tỉnh bảo đảm hoạt động có hiệu quả. Mỗi năm tổ chức đào tạo, tập huấn khoảng 20 - 30 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong tổ chức và DN bằng nhiều hình thức.
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG
 
 

.