Thiết bị hỗ trợ tập phục hồi chức năng chi dưới

09:12, 30/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm hỗ trợ bệnh nhân tai biến tập phục hồi chức năng và giảm giá thành trong mua sắm thiết bị, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công thiết bị hỗ trợ tập phục hồi chức năng chi dưới, giúp người bệnh dễ dàng tiếp cận và luyện tập phục hồi sức khỏe.
 
Phù hợp với người Việt
 
Hiện nay, hầu hết các thiết bị hỗ trợ tập phục hồi chức năng chi dưới trong nước đa phần là thuần cơ khí, chưa có tính tự động cao trong quá trình hỗ trợ tập luyện cho bệnh nhân sau tai biến. Với thiết bị nhập khẩu thì giá thành cao và giao diện vận hành điều khiển thường là ngôn ngữ nước ngoài, gây khó khăn cho người sử dụng. Trước thực tế đó, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã đăng ký thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị hỗ trợ tập phục hồi chức năng chi dưới”.
 
Nhóm nghiên cứu lắp ráp thiết bị hỗ trợ tập phục hồi chức năng chi dưới.
Nhóm nghiên cứu lắp ráp thiết bị hỗ trợ tập phục hồi chức năng chi dưới.
Sau quá trình khảo sát, phân tích các thiết bị tập phục hồi chi dưới và các bài tập được các bác sĩ hướng dẫn, nhóm nghiên cứu đã lên phương án thiết kế kết cấu cơ khí cho thiết bị và mô phỏng các bộ phận của thiết bị gồm: Bộ phận đỡ bệnh nhân phải chịu được tải trọng lớn nhất là 120kg, đáp ứng được vị trí của bệnh nhân có chiều cao 1,9m, góc của thiết bị đỡ bệnh nhân được điều chỉnh bằng tay hoặc tự động từ vị trí ngồi thẳng lưng đến vị trí nằm. Bộ phận khung đỡ máy, kết cấu được thiết kế bằng nhôm định hình có độ cứng đảm bảo và tính thẩm mỹ cao. Khung chịu được tải trọng tối đa 200kg, trên khung thiết kế bộ phận đỡ cánh tay cho bệnh nhân được thoải mái trong quá trình tập luyện. Các bộ phận dẫn động các khớp cổ chân gập và duỗi; khớp gối trong động tác gấp - duỗi có góc vận động từ 0 - 135 độ; khớp háng trong động tác gấp - duỗi có góc vận động từ 0 - 60 độ.
 
Nhóm nghiên cứu chọn phần mềm Visual Basic để viết phần mềm điều khiển, gồm thiết kế giao diện khởi động phần mềm; menu phần mềm; các thanh công cụ và giao diện chính của phần mềm; chức năng truy xuất thông tin bệnh nhân; chức năng thiết lập chế độ tập luyện; chức năng truyền thông giao tiếp với phần điều khiển máy...
 
Được Bộ Y tế giấy chứng nhận
 
Qua 3 năm nghiên cứu, thiết kế, nhóm thực hiện đề tài đã chế tạo thành công thiết bị tập phục hồi chức năng chi dưới và đạt yêu cầu chung về an toàn đối điện. Sản phẩm của đề tài đã được Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho phép triển khai khảo sát tại Khoa Phục hồi chức năng, với số lượt khảo sát là 100 lượt tập của 10 bệnh nhân; trong đó, có 8 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não và 2 bệnh nhân bị tổn thương tủy sống. Trong 8 bệnh nhân tai biến mạch máu não, thì có 6 bệnh nhân liệt bên trái và 2 bệnh nhân liệt bên phải. Bệnh nhân bị tổn thương tủy sống thì yếu cả 2 bên chi dưới. Qua vận hành thiết bị đáp ứng yêu cầu hỗ trợ tập luyện cho bệnh nhân, không gây đau. Các thông số điều khiển được thể hiện rõ trên màn hình máy tính nên dễ vận hành...
 
Thiết bị phục hồi chức năng chi dưới được triển khai khảo sát cho bệnh nhân bị tai biến tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Thiết bị phục hồi chức năng chi dưới được triển khai khảo sát cho bệnh nhân bị tai biến tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Để đánh giá thiết bị, đề tài đã khảo sát 100 lượt tập của 13 bác sĩ và kỹ thuật viên tại Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam), với các tiêu chí vận hành, an toàn, thẩm mỹ, điều trị bệnh nhân. Qua đánh giá, các tiêu chí đều đạt yêu cầu trên 80%.
 
Bác sĩ Võ Lĩnh - Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, máy rất thích hợp cho các bệnh nhân cần tập vận động chi dưới và dễ sử dụng; thao tác thuận tiện cho những bệnh nhân cần đến phương pháp vật lý trị liệu. Các cử động như gập, duỗi khớp háng, gập duỗi cổ chân, gập gối... thiết bị hỗ trợ tập rất tốt, giảm bớt thời gian và sức lực cho kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
 
Theo Thạc sĩ Đào Minh Đức- chủ nhiệm đề tài (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), qua nhiều lần cải tiến với nhiều phiên bản khác nhau, để hoàn thiện sản phẩm cho phù hợp với phác đồ điều trị của bác sĩ cũng như đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong y tế, thiết bị phục hồi chi dưới đã được Bộ Y tế kiểm định và cấp giấy chứng nhận. Vừa qua, Hội đồng Y đức Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã đánh giá về chỉ tiêu vận hành và độ an toàn của thiết bị. Đây là tiền đề để chúng tôi tiếp tục cải tiến, hoàn thiện nhằm đưa thiết bị vào phục vụ tốt hơn cho công tác điều trị các bệnh nhân bị tai biến...
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG
 
 
 
 
 

.