Đây là vụ kiện tập thể thứ hai của nhiều bang cùng đứng tên chung trong hai ngày qua chống lại Google, cáo buộc gã khổng lồ công nghệ đã cạnh tranh không lành mạnh.
Biểu tượng của công ty Google - Ảnh: AFP |
Theo trang Politico, hơn 30 bang của Mỹ ngày 17-12 đã nộp đơn kiện Google lên tòa án liên bang, yêu cầu tòa chia nhỏ hãng công nghệ này.
Các nguyên đơn cáo buộc Google đã lợi dụng vị thế áp đảo của họ trong thị trường tìm kiếm online để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh cùng thị phần và giành ưu thế cho những sản phẩm mới của họ.
Đây là vụ kiện chống độc quyền lớn thứ ba chống lại Google kể từ tháng 10, và là vụ kiện lớn thứ hai chỉ trong hai ngày qua.
Đơn kiện được đệ trình tại thủ đô Washington D.C., cũng tại tòa án liên bang mà trước đó Bộ Tư pháp Mỹ đã nộp đơn chống độc quyền với Google trong tháng 10.
Hai vụ kiện cùng chống lại Google trong vấn đề cạnh tranh đang đặt ra thách thức lớn với lĩnh vực kinh doanh nòng cốt của Google.
Vụ kiện mới nhất chống lại Google do 35 bang của Mỹ cùng với đặc khu Washington, D.C., đảo Guam và vùng lãnh thổ thuộc Mỹ Puerto Rico cùng đệ trình.
Đơn kiện cáo buộc Google duy trì thế độc quyền trong thị trường tìm kiếm bằng cách lợi dụng quyền lực của họ trong các thị trường khác như loa thông minh, ứng dụng hỗ trợ bằng giọng nói, xe hơi thông minh và quảng cáo số.
"Khi smartphone trở nên phổ biến, Google yên trí họ đã kiểm soát tìm kiếm", Tổng chưởng lý bang Tennessee Herbert Slatery III nêu quan điểm với báo giới ngày 17-12. "Họ đang làm điều tương tự với ứng dụng hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói và xe hơi kết nối. Đó là chiêu thức tương tự".
Tổng chưởng lý Doug Peterson của bang Nebraska cáo buộc Google đã tham gia cái gọi là chủ nghĩa bảo hộ, khi thay đổi kết quả tìm kiếm trên công cụ của họ để gây bất lợi cho những kết quả tìm kiếm cụ thể, trong đó có những website như Yelp, Angie's List hay Tripadvisor.
"Không phải là mọi người đang sử dụng Google. Chính Google đang sử dụng mọi người - ông Peterson nói - Google đang chọn lựa để trích xuất những số lượng lớn dữ liệu người dùng trong thị trường tìm kiếm".
Thời gian qua, nhiều động thái đã cho thấy nhiều chính quyền địa phương cũng như chính phủ các nước đang ra sức tìm cơ chế pháp lý để kiểm soát các ông lớn công nghệ, trong đó có Google.
Theo ĐỖ DƯƠNG/Tuổi Trẻ Online