(Baoquangngai.vn) – Chiều 24.11, Trường ĐH Phạm Văn Đồng tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề "Nghiên cứu và ứng dụng các bộ phận cây lá gai xanh tại Quảng Ngãi".
[links()]
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát cây lá gai xanh trên địa bàn 7 huyện trong tỉnh và giống cây lá gai xanh AP1 đang thử nghiệm trồng tại thị xã Đức Phổ. Kết quả phân tích hình thái lá, thân, rễ, hoa, quả của cây lá gai xanh truyền thống và cây lá gai xanh giống AP1 đều giống nhau.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày 9 tham luận nghiên cứu về cây lá gai xanh như: hiện trang phân bổ và đặc điểm hình thái của các giống cây lá gai xanh trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; thành phần dinh dưỡng, hóa học của cây lá gai xanh; thân lá gai xanh AP1 trong khẩu phần đến khả năng sinh trưởng của bò thịt nuôi trong nông hộ ở tỉnh Quảng Ngãi; thử nghiệm các sản phẩm, thực phẩm từ cây lá gai xanh…
Trong nghiên cứu thử nghiệm các sản phẩm thực phẩm từ các bộ phận của cây lá gai xanh nhóm nghiên cứu đã chế biến được bột lá gai xanh màu xanh và hương vị đặc trưng sử dụng để tạo các sản phẩm bánh đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật gồm bánh su kem là gai, bánh cookie lá gai và bánh nếp lá gai.
Phân tích chỉ tiêu chỉ tiêu chất lượng của các loại bánh chế biến so sánh theo ngưỡng quy định trong các tiêu chuẩn Việt Nam, kết quả thu được đều đáp ứng theo quy định. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học cho thấy rễ cây lá gai xanh AP1 có hoạt tính kháng enzyme a-glucosidase (hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường) nổi trội.
Nhóm nghiên cứu đã phối trộn rễ cây lá gai xanh AP1 với một số thảo mộc dễ tìm tìm địa phương với mục tiêu chế biến sản phẩm trà có hương vị thơm ngon dễ sử dụng và không làm mất hoạt tính này của rễ gai.
Cây lá gai xanh. |
Sản phẩm trà thảo mộc từ rễ cây lá gai xanh và măng tây. |
Như vậy bước đầu nhóm nghiên cứu xác định được quy trình kỹ thuật có thể sản xuất ra các loại trà thảo mộc từ rễ cây lá gai xanh AP1 phối trộn với một số thảo mộc dùng làm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, thanh lọc cơ thể, chống oxy hóa vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để có thể sửng dụng hàng ngày
Ngoài ra, thành phần hóa học của các bộ phận cây lá gai xanh AP1 cũng như bột thân lá gái xanh và thân là gai xanh ủ chua cho thấy phù hợp để làm thức ăn cho gia súc nhai lại.
Tin, ảnh: C.P