Từng vấp ngã rồi đứng dậy, song những biến chuyển của thế giới Internet có thể khiến cái tên tiên phong trong công nghệ một thời như Firefox buộc phải nói lời tạm biệt vĩnh viễn.
Tuần trước, Mozilla - hãng làm nên trình duyệt Firefox thông báo sa thải 1/4 lực lượng lao động, tương đương 250 người. Đây là đợt sa thải thứ 2 trong năm của hãng này. Trước đó vào tháng 1, Mozilla cũng đã nói lời từ biệt với 70 nhân viên.
Tổng cộng 2 đợt thanh lọc đã loại đi 1/3 nhân viên công ty.
Đáng chú ý, bộ phận bị cắt giảm nhân sự lại là công cụ dành cho nhà phát triển thông thường. Theo Medium, nếu xét trên cơ sở đáng kể người dùng Firefox là giới lập trình viên, đây có vẻ là bước đi "tự hủy" khi sẽ làm thất vọng cả đối tượng người dùng trung thành nhất của công ty.
Hồi sinh từ đống tro tàn
Nhiều năm sau khi Mozilla cho ra đời sản phẩm nổi tiếng nhất của mình - trình duyệt Firefox - công ty này phải vật lộn để tìm cách tồn tại ở Thung lũng Silicon.
Nhưng, Mozilla không chỉ đơn thuần là cái tên nhỏ sống lay lắt giữa những ông lớn nghìn tỷ USD như Microsoft, Apple và Google. Lịch sử của Mozilla lâu đời hơn những gì phần lớn công chúng biết về họ, với nhiều đóng góp trong việc phát triển các tiêu chuẩn về website.
Mozilla được tạo ra từ đống tro tàn của một trong những thất bại ngoạn mục nhất của giới phần mềm. Cuộc khủng hoảng lần này của công ty do đó khiến giới công nghệ buộc phải chú ý.
Netscape Navigator, công ty trình duyệt web đình đám vào cuối những năm 1990, đã từ vị vua Internet trở thành kẻ ngã ngựa chỉ trong vài tháng. Nguyên nhân bởi Microsoft buộc mọi máy tính sử dụng hệ điều hành của hãng phải "sống chung" luôn với cả Internet Explorer.
Tuy nhiên, giới quan sát đều tin rằng trong tương lai, những công ty trình duyệt độc lập sẽ có đất để phát triển.
Netscape sau đó thành lập tổ chức Mozilla phi lợi nhuận (sau đổi tên thành Mozilla Foundation) để phát triển bộ ứng dụng trình duyệt, tích hợp thư, mục trò chuyện của công ty. Sáng kiến phần mềm này từ từ sụp đổ khi đối mặt với họ là các đối thủ có tiềm lực tài chính và khả năng tiếp cận cao hơn.
Trong các năm tiếp theo, Mozilla Foundation tự biến mình thành loại hình tổ chức khác, chuyên thúc đẩy các tiêu chuẩn web mở lẫn kiến thức về web.
Tiếp đến, một nhóm nhà phát triển Mozilla tái khởi động dự án trình duyệt, tách Firefox thành công ty riêng biệt nhưng vẫn thuộc sở hữu của Mozilla Foundation cho đến ngày nay.
Đây là bước đi đúng đắn, bởi nếu Firefox vẫn chịu sự quản lý của AOL - công ty mua lại Netscape - trình duyệt này hẳn đã không còn đến ngày nay. Ngay cả AOL cũng đã từ bỏ trình duyệt mà họ cùng với Netscape tạo ra để chuyển sang sử dụng Internet Explorer, ngay trước khi đứa con của Microsoft trở thành đề tài chế ảnh của cư dân mạng.
Thực tế cho thấy, Firefox là sáng tạo nổi tiếng nhất của Mozilla. Dù ngày nay, người dùng có những cái tên khác dễ dàng thay thế, Firefox của những ngày đầu ra đời chính là nhà tiên phong việc chặn quảng cáo, bảo mật dữ liệu và tích hợp công cụ hỗ trợ dành cho nhà phát triển.
Nhưng không chỉ có thế, Mozilla còn để lại nhiều di sản khác như ngôn ngữ lập trình Rust, HTML5, Asm.js và mạng lưới của nhà phát triển Mozilla (MDN).
Nếu như những ngôn ngữ lập trình trên khiến thế giới Internet trở nên suôn sẻ hơn với giới lập trình viên, MDN lại là nguồn tài liệu chất lượng cao khổng lồ dành cho nhà phát triển. MDN giống như Wikipedia phát triển web hiện đại, một phiên bản tốt hơn rất nhiều so với W3Schools.
"Chú cáo" hấp hối
Mozilla Firefox vẫn chưa chết, nhưng nó đang hấp hối. Tuyên bố sa thải nhân viên vì Covid-19 của CEO Mitchell Baker không thể thuyết phục người nghe.
Một thực tế không được Mozilla nói ra nhưng giới công nghệ đều biết, đó là việc trình duyệt này hoạt động trên mô hình doanh thu cực kỳ bấp bênh.
Phần lớn doanh thu của công ty dựa vào việc các công ty trả tiền cho họ để đặt công cụ tìm kiếm mặt định trên trình duyệt Firefox.
Khoản thu bao gồm thỏa thuận với Baidu của Trung Quốc, Yandex của Nga và nhiều nhất (90%) là từ Google ở Mỹ cũng như phần lớn thị trường còn lại trên thế giới. Một phần doanh thu khác đến từ tiền hoa hồng, phí thuê bao, quảng cáo nhưng lại chỉ chiếm khoản rất nhỏ trong tổng doanh thu của Mozilla.
Google đã gia hạn thỏa thuận trên vài lần, với khoản thanh toán hàng năm khoản 400 triệu USD, ngay cả khi khả năng xâm nhập thị trường của Firefox giảm mạnh so với đối thủ.
Trong những năm qua, việc gia hạn của Google dần trở nên chậm và kém nhiệt tình hơn. Có lẽ công cụ tìm kiếm này chỉ không muốn công chúng nhìn họ như một gã khổng lồ độc quyền mọi thứ, đè bẹp mọi đối thủ trên thị trường. Đây cũng là lý do mà Microsoft từng đầu tư vào Apple.
Song bất kể ý định của Google là gì, việc Mozilla chỉ gần như dựa vào khoản tài trợ từ một siêu cường công nghệ, vốn cũng có trình duyệt riêng, rõ ràng là sai lầm chiến lược cực kỳ nghiêm trọng.
Những năm qua, Mozilla cũng cố gắng phát triển các sản phẩm thương mại như Firefox OS, dịch vụ đánh dấu trang mới. Hầu hết chúng đều thất bại.
Giờ đây, họ tiếp tục đặt mục tiêu "mới mà cũ": tăng trưởng doanh thu bằng trình duyệt, thông qua trải nghiệm người dùng khác biệt. Đây là cách nói khác của việc đóng gói lại sản phẩm hiện có, rồi bán đi thông qua cách tiếp thị mới.
Ngoài ra, để có thêm thu nhập trên thế giới Internet nhưng vẫn phù hợp với trọng tâm phát triển vì cộng đồng của mình, CEO Baker cho hay Mozilla sẽ tập trung vào các sản phẩm như tính năng lưu trữ nội dung Pocket, dịch vụ VPN trả phí, phòng chat VR Hub cùng các công cụ đảm bảo riêng tư, bảo mật khác.
Nhưng đối mặt với Mozilla ngày nay là những cái tên như Chrome, Safari, Edge. Tất cả đều miễn phí với những tính năng hữu ích.
Tình hình còn khó khăn hơn với Mozilla khi công ty dùng engine web của riêng mình thay vì Chromium do Google hỗ trợ. Do đó, chi phí duy trì và phát triển công nghệ mới càng lớn hơn, trong bối cảnh thị phần lại ngày càng thu hẹp.
Từ đây, chiến lược "rượu cũ mà bình chưa chắc mới" dường như đã đánh dấu cho sự suy tàn của Mozilla nói chung và trình duyệt Firefox nói riêng.
Theo Zing