Công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2020

02:05, 17/05/2020
.
Tối 16/5, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (Vinasa) đã tổ chức công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2020. Năm nay, do các quy định về phòng ngừa lây lan dịch COVID-19 nên sự kiện trao giải được thể hiện với hình thức mới trên sân khấu ảo 3D.
Giải thưởng Sao Khuê là hoạt động đánh giá chuyên môn tin cậy, uy tín của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Giải thưởng được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 2003.
 
Năm nay, Chương trình nhận được 186 đề cử đến từ 102 doanh nghiệp đăng ký tham gia, tăng 20% so với năm trước. Hội đồng Chung tuyển họp ngày 21/3 đã quyết định công nhận danh hiệu Sao Khuê 2020 cho 112 sản phẩm, dịch vụ CNTT tiêu biểu, trong đó có 84 sản phẩm giải pháp và 28 dịch vụ, 24 đề cử sáng giá cũng đã được đề cử bình chọn Top 10 danh hiệu Sao Khuê. Theo ban tổ chức, 24 đề cử này đều rất xứng đáng cho Top 10 nên việc bình chọn mất rất nhiều thời gian, công sức vì phải xem xét từng trường hợp. Nhiều phương pháp luận khoa học được áp dụng để bình chọn được danh sách Top 10 danh hiệu Sao Khuê năm nay.
 
Theo số liệu thống kê, Top 10 danh hiệu Sao Khuê năm nay thuộc 10 doanh nghiệp có tổng doanh thu 81.651 tỷ đồng, tương đương 3,47 tỷ USD, tổng nhân lực là 72.548 người. Riêng doanh số của 10 sản phẩm, giải pháp là 927 tỷ đồng tương đương gần 40 triệu USD. Cả 10 sản phẩm giải pháp đều ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó nhiều nhất là trí tuệ nhân tạo.
 
Ghi nhận những xu thế công nghệ rõ nét được thể hiện qua Chương trình, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa, Chủ tịch Ban tổ chức danh hiệu Sao Khuê 2020, cho biết, thông qua việc đánh giá danh hiệu, chúng tôi đã thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, khi có đến 80% các sản phẩm Sao Khuê 2020 đều phát triển và ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, Blockchain... Nhiều sản phẩm, giải pháp, ứng dụng đã được đánh giá trong top đầu các ứng dụng về công nghệ mới xuất sắc của khu vực và thế giới.
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cũng đánh giá, việc đưa những tiêu chí công nghệ 4.0 và bổ sung hạng mục chuyển đổi số vào hệ thống giải thưởng đã kịp thời cổ vũ mạnh mẽ, định hướng doanh nghiệp và thị trường tham gia đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa hiến lược “Make in Vietnam”, đóng góp vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
 
Các sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc được trao danh hiệu Sao Khuê sẽ được lựa chọn, đề cử tham gia Giải thưởng quốc tế APICTA năm nay.
 
Top 10 danh hiệu Sao Khuê năm nay gồm:
 
1. Nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ (akaBot) của Công ty TNHH Phần mềm FPT. Điểm mạnh là giúp gia tăng 80% năng suất doanh nghiệp, độ chính xác lên tới 100%, tiết kiệm 60% chi phí vận hành, giảm 300% thời gian triển khai.
 
2. Phần mềm quản lý điều hành thông minh cho nhà vận tải - An Vui của Công ty cổ phần công nghệ An Vui.
 
3. Bệnh án điện tử CLAS Healthcare của Công ty cổ phần Infomed Việt Nam, sử dụng công nghệ Blockchain, chia sẻ dữ liệu bằng FHIR Server đạt chuẩn HIPPA, sử dụng dễ dàng trên nền tảng MS Word. Bộ Y tế ứng dụng trong công cuộc kiểm soát COVID-19.
 
4. Cyber Callbot nền tảng xây dựng tổng đài tự động Callbot cho doanh nghiệp Việt của Trung tâm không gian mạng Viettel, giúp tiết kiệm được từ 5-10 tỷ chi phí nhân sự mỗi tháng, tiết kiệm thời gian, phục vụ 24/7, xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ AI, hoàn toàn thay thế con người.
 
5. Nền tảng Trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI của Công ty cổ phần FPT, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo như Chatbot, trợ lý ảo tổng đài, trích xuất thông tin từ hình ảnh giúp doanh nghiệp giảm tới 60% chi phí hỗ trợ hoạt động, gia tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đem đến trải nghiệm tương tác khách hàng tức thời, liền mạch.
 
6. Phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice.vn của Công ty cổ phần MISA, ứng dụng công nghệ Blockchain, đảm bảo an toàn, tiết kiệm 90% chi phí in ấn, vận chuyển và lưu trữ hóa đơn.
 
7. SAVIS LGSP 2.0 - giải pháp nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của Công ty cổ phần Công nghệ SAVIS.
 
8. Hệ sinh thái Giáo dục thông minh Smart Education - vnEdu 4.0 của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, ứng dụng công nghệ AR/VR, Text to speed, Saas, Blockchain, IOT, AI, ứng dụng 63/63 tỉnh thành với 20 nghìn trường học, 6 triệu học sinh, 650 nghìn giáo viên.
 
9. Giải pháp giám sát bất thường trên máy trạm (VCS - aJiant) của Công ty An ninh mạng Viettel.
 
10. Vietinbank iPay Mobile của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).
 
Theo Thúy Hà/Chinhphu.vn
 
 

.