Vào ngày 6/2 vừa qua, một tên lửa đã phóng vào vũ trụ mang theo 34 vệ tinh của Công ty cung cấp dịch vụ internet qua vệ tinh OneWeb.
Đó là dấu hiệu mới nhất cho thấy năm 2020 sẽ là năm mà các thiết bị mới được triển khai vào quỹ đạo Trái đất với tốc độ chưa từng thấy khi OneWeb và đối thủ SpaceX chạy đua để biến dịch vụ băng rộng toàn cầu thành hiện thực.
Các vệ tinh của OneWeb được phóng từ Kazakhstan lúc 4h42 chiều ngày 6/2 bằng một tên lửa Soyuz do Nga sản xuất. OneWeb đã mua tên lửa từ Arianespace, một công ty hàng không vũ trụ có trụ sở tại Pháp.
Adrian Steckel – Giám đốc điều hành của OneWeb nói với CNN Business rằng, việc phóng vệ tinh lên quỹ đạo lần này là lần đầu tiên trong số 10 lần mà OneWeb dự kiến sẽ thực hiện trong năm nay. Theo kế hoạch công ty sẽ phát triển một hệ thống vệ tinh phát sóng internet với hơn 300 vệ tinh và mỗi lần phóng sẽ mang theo ít nhất 34 vệ tinh.
Trước đó, OneWeb chỉ khai thác sáu vệ tinh đã được phóng gần một năm trước. Adrian Steckel cho biết, các vệ tinh này đã hoạt động tốt hơn những gì mong đợi và có thể cung cấp dịch vụ với tốc độ cạnh tranh với internet 5G. Công ty đã dành 11 tháng qua để tìm ra cách sản xuất hàng loạt vệ tinh tại cơ sở của mình ở Florida. Bên cạnh đó, OneWeb và đối tác Airbus đã phải giải quyết các vấn đề trong hệ thống sản xuất và chuỗi cung ứng của họ. Nhưng bây giờ khi những vấn đề đó đã được giải quyết, dự kiến lô thứ hai gồm hơn 30 vệ tinh sẽ sẵn sàng cho chuyến bay vào quỹ đạo ngay sau tháng 3.
Hiện tại chỉ có công ty SpaceX của Elon Musk đang sản xuất các vệ tinh viễn thông ở quy mô lớn như OneWeb. SpaceX đang xây dựng hệ thống vệ tinh internet riêng bao gồm hơn 200 vệ tinh và dự kiến sẽ tăng lên hơn 1.500 trong 11 tháng tới.
Cả SpaceX và OneWeb đều hoạt động kinh doanh internet qua vệ tinh, tức là thay vì mọi người có thể kết nối internet bằng cách sử dụng các công nghệ truyền thống như thông qua truyền dẫn cáp hoặc di động thì 2 công ty này sử dụng một loạt các vệ tinh để phủ sóng internet tốc độ cao cho toàn bộ trái đất, với cách sử dụng chùm vệ tinh này sẽ giúp cho hàng tỷ người trên trái đất đặc biệt là các vùng nông thôn và khu vực hẻo lánh được tiếp cận với internet tốc độ cao.
Giám đốc điều hành của OneWeb, Adrian Steckel cho biết thêm, công ty có kế hoạch mở cửa kinh doanh chính thức vào năm 2021 bằng việc bán dịch vụ cho chính phủ và khách hàng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet cho máy bay, tàu và thuyền. Cuối cùng, công ty sẽ bán băng thông cho các nhà cung cấp internet tiêu dùng như Comcast và Verizon.
Trong khi đó, SpaceX đang đặt mục tiêu bắt đầu cung cấp dịch vụ băng rộng vào giữa năm 2020 và đang thực hiện một cách tiếp cận khác đó là sẽ cung cấp dịch vụ internet đến thẳng với người tiêu dùng, cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ internet truyền thống.
Những tháng tới sẽ rất quan trọng vì các công ty sẽ phải bỏ ra một lượng tiền mặt khổng lồ để họ xây dựng và phóng hàng trăm vệ tinh lên không gian.
Nói về việc kinh doanh của mình, Adrian Steckel thừa nhận: “OneWeb sẽ làm tất cả mà không mang lại doanh thu. Đó có thể là một viên thuốc khó nuốt. Chúng tôi đang lấy tiền của mình và làm một điều gì đó rất thú vị, vấn đề là nó dường như vô hình vì tài sản của chúng tôi đang bay trong không gian. Nhưng thực sự chúng tôi đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng".
Nhà đầu tư lớn nhất của OneWeb là Softbank, một công ty đầu tư khổng lồ của Nhật Bản, bên cạnh đó còn nhiều công ty khác như Coca-Cola, Airbus và Virgin Group. Các doanh nghiệp này đã huy động được tổng cộng khoảng 3,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, hãy tạm gác vấn đề tài chính sang một bên, vấn đề cần quan tâm bây giờ là với số lượng lớn các vệ tinh mà OneWeb, SpaceX và các hãng khác đang phóng lên không gian, điều đó đã đặt ra một vấn đề nan giải về giải pháp tránh va chạm giữa các vệ tinh trong không gian. Nếu để hai vệ tinh đâm vào nhau có thể có tạo ra các mảnh vỡ làm hỏng các vệ tinh khác.
Tuy nhiên, cả OneWeb và SpaceX đều nói rằng họ cam kết ngăn chặn những thảm họa như vậy xảy ra bằng các giải pháp của riêng họ để đảm bảo các vệ tinh được an toàn tối đa.
Theo CNN/VietNamNet