(Báo Quảng Ngãi)- Dù ông Nguyễn Quang cứ một mực cho rằng “cái máy tráng bánh, hay máy sấy của mình làm ra chỉ là chuyện chẳng có gì phải nói”, nhưng với người dân ở làng nghề bánh tráng Hành Trung (Nghĩa Hành), chiếc máy của ông Quang thật kỳ diệu.
nghề làm bánh tráng ở thôn Hiệp Phổ Tây, xã Hành Trung có từ lâu đời. Trước đây, do làm thủ công, nên những người làm nghề này khá vất vả và năng suất rất thấp. Nếu làm cật lực cả ngày lẫn đêm, một ngày 3 người chỉ làm được từ chừng 15 - 20kg gạo, được vài chục cân bánh, rồi mang ra chợ bán. Thấm thía nỗi nhọc nhằn của nghề bánh tráng gần 20 năm, nên ông Quang quyết tâm phải thay đổi cách làm, để “sống khỏe” với nghề.
Chiếc máy làm bánh tráng do ông Quang tự sáng chế. |
Nghĩ là làm, ông Quang lên mạng tìm hiểu chức năng và cách sử dụng từng con ốc, từng bộ phận chuyển động, từng cái môtơ; rồi tính toán kích thước bao nhiêu, vòng quay thế nào; lò hơi hấp bánh đặt ở đâu, công suất bao nhiêu; bánh dày mỏng, chín sống ra sao... Sau đó, ông Quang tự đi tìm mua từng thiết bị, rồi lắp ráp. Sau 6 tháng, máy tráng bánh mỏng được hoàn thành trong sự kỳ vọng của nhiều người.
Nhưng mẻ đầu tiên, bánh không đều, chỗ dày, chỗ mỏng, lại nửa sống nửa chín. Không nản lòng, ông Quang mày mò chỉnh sửa động cơ, điều chỉnh các thông số về nhiệt độ, tốc độ chạy và ngắt bánh của băng tải... Hai tháng sau, máy hoạt động ổn định, bánh tráng đồng nhất về kích cỡ và chất lượng, nên được khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, mỗi ngày máy sản xuất bánh tráng của ông Quang làm được 700 - 800kg gạo, lúc cao điểm lên đến hơn 1 tấn gạo, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, với thu nhập 150 - 200 nghìn đồng/người/ngày.
Tiếp đà sáng tạo, ông Quang tiếp tục mày mò nghiên cứu chế tạo máy sấy bánh tráng. Cũng với phương châm “tự nghĩ, tự học và tự làm”, sau 6 tháng, ông Quang cho ra đời 2 hệ thống sấy, gồm: Lò trong sử dụng nhiệt, lò ngoài dùng tia hồng ngoại. Vì vậy, bánh tráng khô đều, bề mặt mịn, không bị nứt. “Sáng chế” này không chỉ tiết kiệm nhân công phơi, mà còn giúp ông Quang chủ động trong sản xuất, đảm bảo nguồn cung sản phẩm trong mọi điều kiện thời tiết. “Chỉ cần nhìn qua hơi bốc ở lò hơi, hoặc nhìn bánh nổi trên mặt khuôn, tôi biết bánh đủ lửa hay yếu lửa, chín hay sống”, ông Quang chia sẻ.
Với những hữu ích mang lại, hiện nay, nhiều người dân trong vùng tính nhờ ông Quang “chuyển giao” công nghệ, đầu tư ứng dụng vào sản xuất, để việc làm bánh tráng nhẹ nhàng và hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: MỸ HOA