Chỉ trong năm 2019, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 20.892 tỷ đồng (902 triệu USD), vượt xa con số 14.900 tỷ đồng của năm 2018.
Tuy không có sự cố nào đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, nhưng sự gia tăng các máy tính bị nhiễm mã độc mã hóa dữ liệu và mã độc tấn công có chủ đích APT là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại khổng lồ này. Tổng số lượt máy tính bị nhiễm mã độc được ghi nhận trong năm 2019 lên tới 85,2 triệu lượt, tăng 3,5% so với năm 2018.
Các thông tin trên được Tập đoàn công nghệ Bkav công bố tại báo cáo tổng kết an ninh mạng năm 2019 và dự báo năm 2020.
Cũng theo báo cáo này, 80% máy tính bị nhiễm virus do cài đặt phần mềm từ trên mạng. Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra, đó là việc tải và cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên mạng. Trung bình, cứ 10 máy tính cài các phần mềm tải về từ Internet thì có tới 8 máy tính sẽ bị nhiễm viurs, đây là một tỉ lệ rất cao. Để đảm bảo an toàn, người sử dụng chỉ nên tải các phần mềm có nguồn gốc rõ ràng, từ nhà sản xuất tin tưởng và từ các kho ứng dụng chính thống, không tải từ những nguồn trôi nổi trên mạng.
Tỉ lệ lây nhiễm virus qua USB đã giảm mạnh, tuy vẫn ở mức cao 55%, nhưng đã giảm 22% so với năm 2018. Ngược lại, virus lây nhiễm qua email lại tăng, lên mức 20%, tăng 4% so với năm 2018. Cũng theo báo cáo này, vẫn tồn tại tới 41,04% máy tính tại Việt Nam có chứa lỗ hổng SMB, từng bị virus Wanna Cry khai thác để lây nhiễm hơn 300.000 máy tính chỉ trong vài giờ. Đây vẫn là những nguy cơ rất lớn về mất an ninh thông tin tại Việt Nam.
Để phòng chống mã độc, các chuyên gia khuyến cáo, người sử dụng cần trang bị phần mềm diệt virus thường trực để quét virus cho USB trước khi sử dụng. Mở file đính kèm nhận được từ internet trong môi trường cách ly an toàn (Safe Run). Thường xuyên cập nhật bản vá lỗ hổng cho máy tính.
Cũng trong năm 2019, có 1,8 triệu lượt máy tính bị mất dữ liệu, tăng 12% so với năm 2018. Nghiêm trọng hơn, trong số này có rất nhiều máy chủ (server) chứa dữ liệu của các cơ quan. Không chỉ gây thiệt hại lớn, việc các máy chủ bị xóa dữ liệu cũng gây đình trệ hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp trong nhiều ngày sau đó.
Các chuyên gia Bkav cho biết, đã có một chiến dịch quy mô lớn của hacker nước ngoài tấn công vào các máy chủ có mật khẩu yếu tại Việt Nam. Không sử dụng các hình thức lây nhiễm mã độc lây nhiễm thông thường, hacker đã tập trung dò tìm các server có mật khẩu yếu, từ đó thực hiện truy cập trái phép từ xa (remote access) nhằm cài thủ công mã độc mã hóa dữ liệu. Kiểu tấn công này khiến phần mềm diệt virus sẽ bị vô hiệu hóa do hacker đã chiếm được toàn quyền điều khiển máy chủ.
Người sử dụng, đặc biệt là các quản trị cần rà soát, đặt lại mật khẩu đủ mạnh cho máy tính, máy chủ mình quản lý. Mật khẩu đủ mạnh phải có độ dài từ 9 ký tự trở lên, có chứa cả chữ hoa và chữ thường, có ký tự là số và kỳ tự đặc biệt. Ngoài ra, mật khẩu không nên chứa các ký tự dễ đoán như thông tin về người dùng hay thông tin về máy chủ, quản trị.
Các chuyên gia cũng nhận định, năm 2019, mã độc tấn công APT đã tinh vi đến mức “tàng hình”. 420.000 máy tính tại Việt Nam đã bị nhiễm loại mã độc tấn công APT nguy hiểm W32.Fileless. Mã độc này không để lại bất cứ dấu hiệu gì về sự tồn tại của chúng dưới dạng file nhị phân trên ổ cứng máy tính như các loại mã độc thông thường.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) của Bkav cho biết, “W32.Fileless ẩn nấp trong các thông số cấu hình hệ thống như Registry, WMI hay Task Schedule. Chúng phá hoại bằng cách lợi dụng các tiến trình chuẩn của hệ thống để chạy các đoạn mã thực thi (script) đặc biệt. Mã độc này phát tán thông qua USB hay qua khai thác lỗ hổng hệ điều hành.
Chuyên gia Bkav khuyến cáo, người sử dụng cần nâng cấp phiên bản mới nhất của phần mềm diệt virus để có thể tìm và diệt được loại virus tàng hình này.
Cũng trong năm 2019, với sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý nhà nước, cùng các chiến dịch xử lý mã độc đồng loạt tại một số thành phố lớn đã góp phần giảm đáng kể số lượng máy tính tại Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma (botnet). Cũng theo công bố của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU, Việt Nam đã tăng 50 hạng về chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu trong năm.
Các chuyên gia Bkav phân tích, đây là những tín hiệu rất đáng mừng, từng bước cải thiện về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam, điều chưa từng xảy ra trong vài thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, chuyển biến tích cực này mới chỉ đến chủ yếu từ khối cơ quan ở Trung ương và một số thành phố lớn, công tác phòng chống mã độc tại các địa phương khác vẫn còn rất nhiều tồn tại, đặc biệt một lượng lớn máy tính tại khối doanh nghiệp tư nhân và người sử dụng cá nhân vẫn chưa có hình thức phòng vệ cần thiết, chưa có phần mềm diệt virus bảo vệ thường trực, hoặc có phần mềm diệt virus nhưng không đủ mạnh. Theo thống kê của Bkav, tỷ lệ máy tính bị nhiễm mã độc trong năm 2019 tại Việt Nam vẫn ở mức rất cao 57,70%.
Các chuyên gia dự báo, năm 2020, mã độc tấn công APT sẽ tinh vi hơn, Fileless sẽ là xu hướng chính, cùng với đó là các mã độc giả mạo các phần mềm, chương trình chuẩn thông qua kỹ thuật DLL Side-Loading để qua mặt phần mềm diệt virus. Tấn công mã hóa tống tiền sẽ còn tiếp tục gia tăng do nguồn lợi trực tiếp nó mang lại cho hacker ngày càng lớn.
Các thiết bị IoT như Router, Wi-Fi, Camera giám sát, thiết bị đầu cuối… sẽ là điểm nóng về an ninh mạng khi các thiết bị này ngày càng trở nên phổ biến và kết nối rộng. Tấn công lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng khó lường.
Tin tức giả mạo sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối đối với cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước. Sẽ xuất hiện những tin giả mạo, clip giả mạo với mục đích xấu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI như deepfake.
Theo Hiền Minh/Chinhphu.vn