Việt Nam đứng đầu ASEAN về thu hút vốn đầu tư trong fintech

11:12, 20/12/2019
.
Năm 2019, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) ở Việt Nam chiếm đến 36% tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực này toàn khu vực ASEAN, trong khi năm 2018 con số này chỉ ở mức 0,4%.
 Tỉ lệ thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam tăng nhanh những năm gần đây.
Tỉ lệ thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam tăng nhanh những năm gần đây.
Mức tăng trưởng mà Việt Nam có được một phần nhờ có hai thương vụ lớn là thương vụ đầu tư 300 triệu USD vào VNPay và 100 triệu USD vào Momo Pay.
 
Theo báo cáo "Fintech tại khu vực ASEAN: Từ khởi nghiệp đến lớn mạnh" vừa được Ngân hàng UOB, Tổ chức PwC và Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) công bố, đầu tư trong lĩnh vực fintech ở Việt Nam tăng trưởng mạnh năm 2019 nhờ quy mô dân số lớn với tỉ lệ lớn người dân chưa sử dụng ngân hàng, cùng số lượng người sử dụng Internet phát triển. 
 
Ngoài ra, sự tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực này cũng một phần nhờ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển hướng sang thanh toán di động cũng như ủng hộ phát triển fintech. Báo cáo cũng cho thấy việc tập trung vào các giải pháp thanh toán là xu hướng phổ biến ở các nước đang trong giai đoạn đầu của fintech. 
 
Ông Harry Loh - tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam - cho biết việc nhiều công ty fintech tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán, thu hút đầu tư ngày càng lớn hơn, là tín hiệu tích cực cho nỗ lực một xã hội không tiền mặt của Chính phủ Việt Nam. 
 
"Với dân số trẻ và thành thạo công nghệ số, Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho các giải pháp tài chính, cũng như kéo theo sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này", ông Harry Loh nói. 
 
Khảo sát cũng ghi nhận 40% các công ty có trụ sở ngoài khu vực ASEAN-6 có kế hoạch đầu tư vào đây. Trong số đó, 13% có kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam. Sự tăng trưởng số lượng các công ty fintech trong khu vực ASEAN-6 cũng được ghi nhận từ con số 749 công ty lên 25.903 công ty tính đến cuối năm 2019. 
 
Báo cáo cũng cho thấy các công ty fintech trong ASEAN khá lạc quan về nhu cầu cấp vốn hiện tại và tương lai của họ, gần một nửa trong số đó được khảo sát tự tin gọi vốn hơn 10 triệu USD trong vòng cấp vốn tiếp theo của họ. 
 
Tuy vậy, nhân sự tài năng vẫn là một thách thức, với 58% các công ty fintech được khảo sát chỉ ra rằng đây là một trở ngại cho kế hoạch mở rộng khu vực của họ.
 
Khối các doanh nghiệp là phân khúc khách hàng mục tiêu chính của các công ty fintech (79%). Trong số các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính chiếm một nửa (50%) phân khúc mục tiêu, theo sau là doanh nghiệp lớn (17%) và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (12%).
 
Người tiêu dùng và doanh nghiệp khởi nghiệp tạo nên phần còn lại của phân khúc mục tiêu (21%). Vì hầu hết các tổ chức tài chính và doanh nghiệp có xu hướng yêu cầu phê duyệt nhiều cấp giữa các bên liên quan khác nhau, các công ty fintech cần phải chuẩn bị cho một thời gian dài hơn trước khi đạt được thỏa thuận.
 
Do đó, các công ty fintech cung cấp các giải pháp từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp nên đảm bảo rằng họ có một giai đoạn thu hút cấp vốn dài hơn để đáp ứng chi phí hoạt động của họ.
 
Theo N.BÌNH/Tuổi Trẻ Online
 
 

.