Chỉ trong một thời gian ngắn có 3 mạng xã hội do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ra mắt đã gây sự chú ý trong dư luận. Việc các mạng xã hội mới ra đời đã thêm lựa chọn cho người dùng, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ trong nước, cũng như giảm phụ thuộc vào nhà cung cấp nền tảng nước ngoài.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay đã có 450 mạng xã hội được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là hình thức diễn đàn (forum), số mạng xã hội hoạt động đúng nghĩa tồn tại quá ít, chỉ có Zalo (Công ty cổ phần VNG) với 45 triệu người dùng và Mocha (Tập đoàn Viettel) đạt hơn 10 triệu người dùng. Trong bối cảnh cạnh tranh với hai "ông lớn" là Facebook và YouTube, 2 mạng xã hội nói trên đã hoạt động như thế nào để đạt hiệu quả?
Mocha ban đầu vốn là ứng dụng OTT về nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng, đã phát triển thành mạng xã hội hướng đến khách hàng trẻ. Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media cho biết, Mocha đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ có 20 triệu người dùng thường xuyên, phủ kín khách hàng trẻ từ thành thị đến nông thôn, sau đó mở rộng với những đối tượng khách hàng khác.
Nhiều mạng xã hội của Việt Nam ra đời giúp người dùng có thêm sự lựa chọn. |
Với Zalo, ông Trần Viết Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Ứng dụng di động Xanh (GMA) - một startup công nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh cũng là người sử dụng Zalo thường xuyên, thì Zalo đã đạt đẳng cấp thế giới, có thể sánh với các mạng xã hội nước ngoài. Zalo cũng là mạng xã hội trong nước có sự tương tác người dùng rất mạnh...
Vì vậy, khi Lotus do Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam - VCCorp nghiên cứu, phát triển ra mắt ngày 16-9-2019 với phương châm lấy nội dung làm trọng đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp khẳng định, Lotus không đi vào thị trường ngách, không cạnh tranh đánh bại mạng xã hội nào đang có... Điều này khác với tham vọng của đại diện hai mạng xã hội Hahalolo và Gapo mong muốn sẽ đạt 2 tỷ người dùng vào năm 2024...
Sau hơn 2 tháng ra mắt, đại diện VCCorp cho biết sẽ cung cấp thông tin sau khi kết thúc phiên bản thử nghiệm (sau 6 tháng ra mắt). Song, người dùng Lotus cũng đã có ghi nhận bước đầu. Ông Đoàn Mạnh Chung, phóng viên theo dõi công nghệ (công tác tại một tờ báo điện tử về kinh tế) ở Hà Nội cho biết: “Quan điểm của tôi là ủng hộ sản phẩm của người Việt. Hơn thế, mạng xã hội là nơi lan tỏa thông tin, nên là người Việt Nam lại càng phải ủng hộ, hiện tôi chỉ dùng duy nhất tài khoản trên Lotus”.
Còn ông Trần Thanh (ở thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, Lotus có sự chuẩn bị ban đầu khá tốt về kỹ thuật qua ứng dụng tương đối mượt mà, đa dạng thông tin. Sáng kiến token (tài sản ảo) có giá trị trao đổi trên môi trường mạng Lotus rất hay, nhưng cần thêm thời gian để thu hút lượng người dùng.
Vốn am hiểu về lĩnh vực công nghệ, đang quản trị Diễn đàn công nghệ Tinh tế (Tinhte.vn), ông Trần Mạnh Hiệp cho hay: “Tôi khá ấn tượng với sự xuất hiện của Lotus. Tôi đã ngay lập tức đăng ký tài khoản để dùng thử và vẫn duy trì tài khoản…”. Còn ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nhận xét, Lotus có tốc độ ổn định, dễ dùng, dễ tiếp cận...
Với tư cách vừa là người dùng, vừa là chuyên gia công nghệ, ông Trần Mạnh Hiệp và Vũ Hoàng Liên đều cho rằng, người dùng mạng xã hội cần có nhu cầu tương tác, chia sẻ từ người thân, bạn bè. Tuy nhiên, Lotus lại đang đẩy mạnh hiển thị tin tức từ các cơ quan báo chí. Điều này không những không đúng bản chất của mạng xã hội mà có thể gây khó chịu cho người dùng. Ông Trần Mạnh Hiệp cho rằng, mạng xã hội trong nước chỉ nên nhắm vào những nội dung có chiều sâu để hướng tới một nhóm người dùng. Vì thế, Lotus cần đánh giá, phân tích nhu cầu của người dùng để tìm ra hướng đi cho phù hợp.
Phát triển mạng xã hội của người Việt, do người Việt làm chủ là một chủ trương quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng với việc hình thành phát triển hệ sinh thái số Việt Nam, được khởi xướng từ cuối năm 2018. Trong phần trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 8-11-2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chỉ sau 15 ngày nhận công tác tại Bộ, việc đầu tiên của Bộ trưởng là thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội ở Việt Nam. Cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là sự hỗ trợ của người dân, thì với tốc độ hiện nay, đến năm 2020 sẽ có 90 triệu người dùng - tương đương với các mạng xã hội nước ngoài...
Đây là chủ trương đúng, vì việc xây dựng mạng xã hội "Make in Vietnam" và hệ sinh thái số Việt Nam là một trong những giải pháp tạo không gian cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước, gồm cả các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo và phát triển. Đây cũng là một trong những biện pháp để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, không quá phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Theo Hà Nội mới