Khi đi vào hoạt động, hình ảnh từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời giúp giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đối khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường.
Việt Nam đang từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh (Vệ tinh MicroDragon được phóng vào vũ trụ ngày 18/1/2019) |
Vệ tinh LOTUSat-1- vệ tinh quan sát Trái đất bằng công nghệ radar sẽ được chế tạo sau khi lễ ký kết gói thầu “Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực” diễn ra hôm nay (18/10). Đây sẽ là vệ tinh radar đầu tiên do Việt Nam sở hữu. Việc chế tạo vệ tinh LOTUSat-1 thuộc Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất”, một dự án KHCN trọng điểm của Việt Nam.
Vệ tinh LOTUSat-1 có trọng lượng 570kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể có kích thước từ 1 m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm. LOTUSat-1 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết khí hậu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa ở Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung do đặc điểm khí hậu nhiệt đới hầu hết thời gian bị che phủ bởi mây và mù.
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, LOTUSat-1 sẽ giúp phát hiện các công trình do con người xây dựng trên mặt đất, nhận biết các thay đổi, có thể chủ động điều khiển chụp ảnh theo mục tiêu.
Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, công nghệ vũ trụ đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Mỗi quốc gia có cách tiếp cận công nghệ vũ trụ khác nhau. Việt Nam lựa chọn việc từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vũ trụ thay vì mua ảnh vệ tinh của nước ngoài.
Dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh sẽ đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời giúp giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Theo ông Yosuke Asai, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, LOTUSat-1 có thể quan sát thiên tai diện rộng và nắm bắt được tình hình khí hậu. Trong bối cảnh thiên tai thường xuyên xảy ra, việc đưa vệ tinh vào sử dụng sớm nhất sẽ góp phần quan trọng hạn chế thiệt hại. Việc đào tạo nhân lực trong quá trình chế tạo LOTUSat-1 cũng giúp Việt Nam tiếp tục con đường tự chế tạo vệ tinh của mình. Đây sẽ là một bước tiến mới trong việc làm chủ công nghệ vệ tinh sau khi các kỹ sư Việt Nam tham gia thiết kế, chế tạo thành công vệ tinh MicroDragon 50kg.
Trước đó, ngày 18/1/2019, vệ tinh MicroDragon do đội ngũ 36 kỹ sư Việt Nam theo học tại Nhật thiết kế và chế tạo, dưới sự hướng dẫn của GS Nhật Bản đã được phóng vào vụ trũ, đóng dấu việc Việt Nam có thể tự chế tạo vệ tinh siêu nhỏ (50kg).
Vào năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo cũng được phóng, hoạt động tương đối ổn định trong khoảng 3 tháng và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.
Một vệ tinh khác là NanoDragon (khối lượng 10kg) cũng đang được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, phát triển, hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư và chuyên gia tại Việt Nam. Vệ tinh này có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng dòng vệ tinh nano. Mới đây vệ tinh này cũng đã được JAXA thông báo đồng ý đưa lên quỹ đạo theo “Chương trình trình diễn công nghệ vệ tinh tiên tiến 2”, dự kiến vào năm 2020.
Thu Cúc/Chinhphu.vn