Với việc tham gia Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường viễn thông cho các nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đến từ EU.0
Việt Nam sẽ mở cửa thị trường viễn thông
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020. Khi Hiệp định này được triển khai, nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh từ EVFTA và viễn thông là một trong số đó.
Một trong những nguyên tắc chung là Việt Nam chấp nhận mở cửa thị trường viễn thông khi tham gia EVFTA.
Việt Nam cam kết không hạn chế về số lượng doanh nghiệp, tổng giá trị giao dịch hoặc tài sản, tổng số các hoạt động dịch vụ hoặc tổng số lượng các dịch vụ đầu ra, tỷ lệ tối đa của cổ phần/vốn góp/giá trị đầu tư nước ngoài, loại hình cụ thể của pháp nhân hoặc liên doanh… đối với nhà đầu tư EU.
Đối với các dịch vụ xuyên biên giới, Việt Nam cam kết không hạn chế số lượng nhà cung cấp dịch vụ, tổng giá trị giao dịch/tài sản và tổng số lượng dịch vụ cung cấp.
Việt Nam sẽ mở cửa thị trường viễn thông khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. |
Khi tham gia EVFTA, Việt Nam cam kết đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đến từ EU với các nhà đầu tư Việt Nam.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn có thể đối xử khác biệt giữa nhà cung cấp dịch vụ này, miễn là không làm thay đổi điều kiện cạnh tranh theo hướng có lợi hơn cho nhà cung cấp dịch vụ Việt.
Dịch vụ viễn thông nào sẽ mở cửa sau năm 2020?
Với các cam kết của Việt Nam khi tham gia EVFTA, thị trường viễn thông trong nước sẽ có bước mở cửa rất mạnh sau 5 năm nữa.
Theo đó trong lĩnh vực viễn thông, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường đối với 2 nhóm ngành dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng. Hai nhóm này lại chia thành 2 phương thức là có hạ tầng mạng và không có hạ tầng mạng.
Nhóm ngành dịch vụ viễn thông cơ bản bao gồm dịch vụ thoại, dịch vụ truyền số liệu chuyển mạch gói, dịch vụ truyền số liệu chuyển mạch kênh, dịch vụ telex, dịch vụ telegraph, dịch vụ facsimile, dịch vụ thuê kênh riêng và các dịch vụ như hội nghị truyền hình, thông tin vô tuyến, kết nối Internet và truyền dẫn tín hiệu video trừ truyền quảng bá.
Nhóm dịch vụ giá trị gia tăng gồm mạng riêng ảo (VPN), thư điện tử, thư thoại, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), thông tin trực tuyến và xử lý dữ liệu, chuyển đổi mã và giao thức, thông tin trực tuyến và truy cập lấy thông tin từ cơ sở dữ liệu, các dịch vụ facsimile gia tăng giá trị.
Với các dịch vụ cung cấp qua biên giới cho khách hàng tại Việt Nam, nhóm dịch vụ hữu tuyến và di động mặt đất, các nhà cung cấp dịch vụ từ EU được tham gia không hạn chế. Tuy nhiên, họ sẽ phải thông qua thỏa thuận thương mại với một tổ chức được thành lập ở Việt Nam. Tổ chức này phải được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế.
Với dịch vụ viễn thông vệ tinh, các nhà cung cấp từ EU phải thông qua thỏa thuận thương mại với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh quốc tế Việt Nam được cấp phép. Quy định này cũng có ngoại lệ trong một vài trường hợp cụ thể.
Đối với việc đầu tư dịch vụ viễn thông cơ bản, nếu không có hạ tầng mạng, EVFTA cho phép các doanh nghiệp EU được liên doanh cùng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam với tỷ lệ vốn nước ngoài từ 65% - 70%. Tỷ lệ này có thể tăng lên 75% sau 5 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực.
Nếu có hạ tầng mạng, doanh nghiệp EU được liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam với phần vốn góp không vượt quá 49% vốn pháp định.
Đối với việc đầu tư dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, nếu không có hạ tầng mạng, sau 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, liên doanh được phép nâng tỷ lệ vốn nước ngoài đến 100%. Tỷ lệ này tối đa là 65% trong trường hợp liên doanh có sở hữu hạ tầng mạng.
Theo VietNamNet