(Baoquangngai.vn)- Các nhà khoa học khi nghiên cứu đã phát hiện ra một con số hết sức bất ngờ đó chính là trong vòng 100 năm thì nhiệt độ trung bình của trái đất đã tăng lên 0,6 độ C và trong tương lai sẽ còn tiếp tục tăng chứ không chỉ dừng lại ở con số này.
Trái đất đang nóng lên từng ngày
Suốt 1 tháng nay, nắng nóng đỉnh điểm với những mốc nhiệt liên tục phá kỷ lục đã trở thành câu chuyện toàn cầu, không phân biệt đó là khu vực nhiệt đới hay hàn đới, nước giàu hay nước nghèo... Sức nóng của “quả bom” biến đổi khí hậu đã lan tới mọi ngóc ngách, gây hậu quả tàn khốc đối với nhiều lĩnh vực kinh tế cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân thế giới.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2019 được dự đoán là một trong những năm nóng nhất. Tổ chức này cũng cho biết đợt nắng nóng ở Châu Âu là một diễn biến hoàn toàn phù hợp với các hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các chuyên gia đều nhận định rằng việc thải ra bầu khí quyền lượng lớn CO2 như hiện nay sẽ khiến hành tinh của chúng ta không còn là nơi con người có thể sinh sống. Điều đó một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học tin rằng trái đất bắt đầu nóng lên kể từ năm 1950 do hiệu ứng nhà kính. Nếu sự phát thải không được kiểm soát, giới khoa học tin rằng nhiệt độ trái đất có thể tăng quá 4,5 độ C. Mức nhiệt này sẽ làm biến đổi hành tinh của chúng ta và suy yếu khả năng hỗ trợ của trái đất cho một lượng dân số khổng lồ.
Theo các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), trong giai đoạn 1880 – 2013, chỉ trong vòng 13 năm kể từ năm 2000, trái đất đã xuất hiện 9 năm có mức nhiệt độ trung bình cao kỷ lục.
Theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm 2013 là 14,52 độ C, cao hơn 0,62 độ C so với mức nhiệt độ trung bình trong thế kỷ 20; năm 2014 cao hơn 0,8 độ C so với năm 1880.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng học thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhận định, dù không bị tác động nhiều bởi hiện tượng El Nino, song 2017 vẫn là năm nóng nhất. Tình trạng này đã kéo nhiệt độ tại Bắc Cực tăng bất thường trong năm 2018, trong khi Châu Âu và Bắc Mỹ hứng chịu mùa đông lạnh giá hơn.
WMO cho biết nồng độ khí CO2 trong khí quyển đã vượt ngưỡng 400 PPM, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình trong 800.000 năm qua, và dự đoán mức này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, báo hiệu tương lai "ấm hơn" với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.
Báo cáo cũng cho hay 17 trong 18 năm nóng nhất, được ghi nhận kể từ thế kỉ 19 đến nay, đều diễn ra sau năm 2000, đang cho thấy khí gây hiệu ứng nhà kính đang làm tăng nhiệt độ nền của trái đất. Theo giới chuyên gia, nếu tốc độ ấm lên hiện nay được duy trì, nhiệt độ trái đất có thể vượt qua mức tăng 2 độ C so với thời kì tiền công nghiệp vào năm 2060 hoặc 2070.
Tại Việt Nam, thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, số liệu quan trắc cho thấy trong tháng 4 đến tháng 7/2019, tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đã xuất hiện liên tiếp nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài.
Đặc biệt, tại miền Trung đã ghi nhận một đợt nắng nóng dài nhất trong 30 năm qua. Cụ thể, đợt nắng nóng này bắt đầu từ ngày 3/6 và kết thúc trong ngày 1/7. Bên cạnh đó, nhiệt độ nắng nóng ở nhiều nơi đã vượt các mốc lịch sử từng thiết lập trước đó như tại Con Cuông (Nghệ An) là 43,3 độ C, Quỳ Hợp (Nghệ An) 43 độ C, tại Đô Lương (Nghệ An) 41 độ C. Trong đó, nắng nóng tại Hương Khê (Hà Tĩnh) lên tới 43,4 độ C. Đây là mốc nhiệt độ nắng nóng cao nhất trong lịch sử của ngành khí tượng.
Trên thực tế thì vấn đề biến đổi khí hậu đã được nói tới từ nhiều năm nay, với nhiều nỗ lực chống tình trạng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, có vẻ mục tiêu giảm khí thải CO2 làm trái đất nóng lên đang có nguy cơ là “bất khả thi” khi khí thải của các loại phương tiện giao thông, khói thuốc lá, các hóa chất độc hại, tình trạng đốt phá rừng... vẫn đang tỏa nhiệt "thiêu đốt" hành tinh.
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, hay EU tháng 6 vừa qua đã thất bại trong việc thống nhất mục tiêu giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính về mức 0% vào năm 2050, cho thấy vẫn còn quá nhiều rào cản khiến cộng đồng quốc tế chưa thể chung tay hạn chế sức tàn phá khủng khiếp của “quả bom khí hậu”.
Những hậu quả nặng nề
Phát biểu tại cuộc họp của Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 26/7, người phát ngôn Tổ chức Khí tượng thế giới của LHQ Clare Nullis cho biết đợt khí nóng dịch chuyển từ Bắc Phi xâm chiếm các nước Châu Âu không chỉ khiến nền nhiệt tại nhiều nơi "xô đổ" những kỷ lục đã lập trước đó, mà thậm chí còn cao hơn những mức kỷ lục cũ tới 2, 3, thậm chí 4 độ C. Quan chức này mô tả đây thực sự là điều "không thể tin", đồng thời cho rằng các đợt nắng nóng khắc nghiệt xảy ra ngày càng thường xuyên có liên quan tới hiện tượng biến đổi khí hậu.
Bà Nullis cũng nói rằng theo dự báo, luồng không khí trên đang mang hơi nóng tới Greenland - dải băng lớn thứ 2 thế giới ở Bắc Cực (sau dải băng ở Nam cực), có khả năng khiến nhiệt độ tại đây tăng cao và đẩy nhanh quá trình tan băng. Trong nhiều tuần gần đây, lượng băng tại Greenland đã tan chảy rất nhanh. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Greenland đã mất 160 tỷ tấn băng do tình trạng tan băng trên bề mặt, tương đương với 64 triệu bể bơi tiêu chuẩn Olympic.
Băng tan ở Bắc Cực. (Ảnh: NASA) |
Hơn 80% Greenland bị băng giá bao phủ. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng đến vùng đất của người dân quanh năm sống với băng tuyết này khi diện tích các dải băng tại đây ngày một giảm. Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng băng tan chảy ở Greenland mỗi năm khiến nước biển dâng cao khoảng 0,7mm, song với tốc độ tan chảy như hiện nay, con số này có thể còn tăng.
Kể từ năm 1972 đến nay, lượng băng tan chảy của Greenland đã góp phần làm mực nước biển dâng cao tổng cộng 13,7mm. Hiện tốc độ băng tan chảy tại Greenland nhanh gấp 6 lần so với những năm 80 của thế kỷ trước.
Lớp băng ở Bắc Cực tan ra sẽ làm mực nước biển dâng nhanh sẽ khiến con người bỏ các thành phố lớn trên thế giới đồng thời kéo theo sự thiệt hại hàng nghìn tỷ USD. Các nhà khoa học cũng lo ngại về viễn cảnh chu kỳ gió mùa Châu Á thay đổi. Hàng tỷ người trông đợi các đợt gió mùa để có nước cung cấp cho cây trồng. Do vậy, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng để lại hậu quả nghiêm trọng.
Mực nước ở đại dương đang tăng khoảng 0,3 m mỗi thập kỷ. Điều này gây tác động nghiêm trọng tới các đường bờ biển, buộc các nước và nhiều tổ chức chi hàng chục tỷ USD để chống xói mòn. Nếu sự phát thải vẫn không được kiểm soát, nhiệt độ bề mặt trái đất có thể sớm giống như kỷ nguyên Pliocen, khi băng tan và mực nước ở đại dương sẽ tăng cao hơn so với mức hiện nay khoảng 24 m.
Nhiệt độ sẽ ngày càng tăng lên trong các thập kỷ tới, sự gia tăng nhanh chóng của dân số toàn cầu cũng kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một tăng. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển trong việc xây dựng các nhà máy - nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, lượng mưa được dự báo sẽ giảm đến 40% ở một số nơi, làm giảm lượng nước - một thành phần quan trọng trong sản xuất thủy điện. Do đó, khủng hoảng năng lượng sẽ là một cơn ác mộng thực sự.
Tần suất xuất hiện những hiện tượng thời tiết, thảm họa thiên nhiên sẽ diễn ra với cường độ mạnh như siêu bão, lũ lụt lớn,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống của những người nghèo.
Trái đất đối mặt với tuyệt chủng nếu càng nóng lên và biến đổi khí hậu gia tăng |
Nhiệt độ trái đất tăng kéo theo sự gia tăng của nạn hạn hán ở khắp nơi. Nguy cơ hạn hán kéo dài rất dễ xảy ra, điều này gây nguy hiểm đến sự phát triển của nền nông nghiệp cũng như các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nước. Không chỉ hạn hán, trái đất nóng lên còn kéo theo các hiện tượng thời tiết dị thường như siêu bão, bão tuyết, lũ lụt, thiên tai…
Sự ấm lên của Trái đất cũng kéo theo tình trạng ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm khói bụi dài hạn cũng ảnh hưởng tới quá trình hình thành mây và lượng mưa, khiến các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trầm trọng thêm. Sự gia tăng lượng ozon trong khí quyển dẫn đến việc nhiều người mắc bệnh về phổi và theo tính toán, số lượng bệnh nhân hen suyễn dự kiến sẽ tăng đến 10% tại các đô thị lớn.
Để ứng phó và ngăn chặn những mối đe dọa nghiêm trọng, theo các nhà khoa học ba giải pháp "vàng" để ngăn chặn thảm họa khôn lường này bao gồm: Giảm việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch; kiểm soát phát thải các chất gây ô nhiễm khí hậu, khí methane và HFCs; cô lập và tách biệt CO2 khỏi không khí.
Thực hiện đồng thời cả 3 giải pháp, chính là cách giúp các quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu "không tưởng" của Liên Hợp Quốc đề ra tại Hiệp định Paris vào tháng 11/2015.
Hiệp Thịnh