Ngày 28/2, nội các Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép các lò phản ứng hạt nhân ở nước này được vận hành vượt giới hạn hoạt động hiện nay là 60 năm.
Tổ máy số 3 tại nhà máy điện hạt nhân Mihama ở tỉnh Fukui, lò phản ứng đầu tiên ở Nhật Bản vận hành sau thời hạn phục vụ 40 năm. (Ảnh: Kyodo) |
Theo các quy định mới, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ phê duyệt việc kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân theo từng trường hợp cụ thể.
Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho các lò phản ứng cũ, Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản sẽ kiểm tra các lò phản ứng đang vận hành tối đa 10 năm một lần sau khi các lò này hoạt động được 30 năm.
Nhật Bản đặt mục tiêu công suất điện hạt nhân chiếm 20 - 22% tổng công suất điện, còn điện tái tạo chiếm từ 36 - 38% tổng công suất điện vào năm 2030.
Trước đó, vào đầu tháng 2, nội các Nhật Bản đã chính thức thông qua chính sách cho phép kéo dài thời gian sử dụng các lò phản ứng hạt nhân cũ và xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới để thay thế các tổ máy cũ. Đây được coi là một thay đổi quan trọng trong chính sách năng lượng ở Nhật Bản kể từ sau các sự cố hạt nhân ở Fukushima hồi tháng 3/2011.
Theo chính sách trên, các lò phản ứng cũ vẫn có thể hoạt động sau khi hết thời hạn sử dụng theo quy định là 60 năm, với tổng thời gian sử dụng được tính theo cách trừ đi các khoảng thời gian mà chúng không hoạt động.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng quy định chỉ thay thế các lò phản ứng sắp ngừng hoạt động bằng các lò phản ứng tiên tiến, được coi là an toàn hơn so với các lò phản ứng thông thường, với mục tiêu bắt đầu vận hành các lò phản ứng thế hệ mới vào đầu thập kỷ tới.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ huy động khoảng 20.000 tỷ Yen (151,9 tỷ USD) thông qua việc phát hành trái phiếu "chuyển đổi xanh" để thúc đẩy đầu tư cho các dự án giảm thải carbon. Chính phủ Nhật Bản sẽ đệ trình lên Quốc hội nước này để xem xét và thông qua các dự luật liên quan trong kỳ họp thường niên hiện nay nhằm hiện thực hóa chính sách mới.
Theo
VTV.vn