Liên minh điện hạt nhân châu Âu mở rộng thành viên

10:03, 09/03/2023
.
Pháp là quốc gia đi đầu trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ gắn kết hơn giữa các nước EU trong vấn đề năng lượng hạt nhân.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Sáng kiến thành lập Liên minh điện hạt nhân mới do Pháp khởi xướng và dẫn dắt từ cuối tháng 2/2023 đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu và ngày càng mở rộng việc kết nạp thành viên.
 
Theo thông báo mới nhất từ Chính phủ Bỉ, nước này đã tiến hành các cuộc tiếp xúc ngoại giao để tham gia Liên minh điện hạt nhân do Pháp dẫn đầu với tư cách là quan sát viên. Bên cạnh đó, Bỉ cũng tham gia hiệp hội các quốc gia châu Âu ủng hộ phát triển điện hạt nhân và đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển điện hạt nhân trong vài năm tới. Trước đó, Chính phủ Bỉ đã phê duyệt khoản ngân sách trị giá 100 triệu Euro cho các dự án nghiên cứu năng lượng hạt nhân trong tương lai.
 
Liên minh điện hạt nhân châu Âu hiện có 11 thành viên, xác định mục tiêu là tăng cường hợp tác giữa các nước châu Âu trong toàn bộ chuỗi cung ứng hạt nhân, thúc đẩy các dự án điện hạt nhân mới và phát triển các công nghệ lò phản ứng cỡ nhỏ.
 
Các thành viên của Liên minh điện hạt nhân châu Âu cho rằng liên minh này có thể giúp châu Âu sớm đạt được các mục tiêu khí hậu, nhất là sản xuất hydro xanh cho lĩnh vực vận tải và công nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm này chưa nhận được sự đồng thuận từ tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu.
 
Liên minh năng lượng hạt nhân châu Âu đang vấp phải chỉ trích từ Áo, Đức, Luxembourg và Tây Ban Nha do việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân mới không đáp ứng được yêu cầu thời gian đặt ra với các mục tiêu khí hậu, vì để xây dựng một dự án điện hạt nhân mới có thể mất tới 15 năm. Hơn nữa, năng lượng hạt nhân không thể được coi là an toàn và nguy cơ tiềm ẩn từ thảm họa hạt nhân có thể đầu độc hệ sinh thái trong nhiều thập kỷ. 
 
Theo VTV.vn
 

.