Trong phiên giao dịch ngày 5/1, giá dầu thế giới chốt phiên tăng lên sau khi ghi nhận mức giảm lớn nhất 30 năm qua trong 2 ngày đầu năm.
(Ảnh minh họa: Reuters) |
Giá dầu tăng sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của nước này tăng 1,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/12/2022. Trong khi đó, các nhà phân tích tham gia khảo sát của S&P Global Commodity Insights dự báo mức tăng 4,5 triệu thùng. Theo EIA, tổng lượng dự trữ xăng giảm 0,3 triệu thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ nhiên liệu chưng cất giảm 1,4 triệu thùng.
Giá dầu thế giới đã giảm hơn 9% trong 2 ngày trước đó và là mức giảm 2 ngày đầu năm mạnh nhất kể từ năm 1991. Ngày 4/1, cả giá dầu WTI và Brent giảm hơn 5%, chốt phiên ở các mức thấp nhất trong hơn 3 tuần, do những lo ngại về suy thoái và tâm lý tránh tài sản rủi ro.
Trên sàn chứng khoán Phố Wall, các chỉ số chính đã mất hơn 1% trong phiên giao dịch cùng ngày 5/1, làm ngưng đà tăng của chứng khoán toàn cầu, trong bối cảnh Mỹ công bố thông tin tích cực về việc làm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khẳng định có thể sớm tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 339,69 điểm, tương đương 1,02%, xuống 32.930,08 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 44,87 điểm, tương đương 1,16%, xuống 3.808,1 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 153,52 điểm, tương đương 1,47%, xuống 10.305,24 điểm.
Chốt phiên, chỉ số tổng hợp Stoxx toàn châu Âu giảm 0,2% sau khi tăng hơn 3% trong 3 phiên đầu năm 2023. Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) đạt được mức tăng 0,6% nhờ giá cổ phiếu cao hơn dự kiến của "gã khổng lồ" ngành bán lẻ Next đã hỗ trợ cho toàn châu Âu trong lĩnh vực này, song không thể nâng đỡ cho các chỉ số chứng khoán của Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp).
Báo cáo Việc làm quốc gia của ADP (Mỹ) vừa được công bố cho thấy số việc làm ở khu vực tư nhân tăng cao hơn dự kiến trong tháng 12/2022, đạt 235.000 việc làm. Trong khi đó, một báo cáo khác cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần đã giảm vào tuần trước.
Mặc dù thị trường lao động mạnh mẽ thường được xem là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, nhưng các nhà đầu tư hiện cho đây là lý do để FED giữ lãi suất cao.
Ông Anthony Saglimbene, Giám đốc Chiến lược thị trường tại Ameriprise ở Tory Michigan, cho biết: "Rõ ràng là tin tốt trên thị trường lao động có nghĩa là tin xấu đối với thị trường chứng khoán. Chừng nào thị trường lao động còn phục hồi, FED phải tiếp tục thắt chặt các điều kiện tài chính để giảm lạm phát”.
Chiến lược gia này dự báo các nhà đầu tư sẽ tập trung chủ yếu vào lạm phát tiền lương trong báo cáo việc làm tháng 12/2022 của Bộ Lao động Mỹ, dự kiến được công bố trong ngày 6/1.
Theo
Nhandan.vn