Nhật Bản sẽ bố trí thêm 7 đơn vị phòng thủ tên lửa ở các đảo xa

08:12, 07/12/2022
.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản lên kế hoạch tăng gần gấp ba số đơn vị được trang bị khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở các hòn đảo nước này vào năm 2031.
 
Kế hoạch này dự kiến ​​sẽ được đưa vào tài liệu hướng dẫn chương trình phòng thủ quốc gia của Chính phủ Nhật Bản. Theo đó, cuối năm nay, Nhật Bản sẽ cập nhật chính sách xây dựng quốc phòng kéo dài 10 năm. Điều này diễn ra khi nước này tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng thủ ở tây nam - khu vực chiến lược quan trọng ở Nhật Bản, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh, gia tăng hiện diện quân sự ở biển Hoa Đông.
 
Tên lửa đất đối không tầm trung Type-03. (Ảnh: Kyodo News)
Tên lửa đất đối không tầm trung Type-03. (Ảnh: Kyodo News)
Theo dự thảo kế hoạch, Nhật Bản sẽ tăng số lượng đơn vị phòng thủ tên lửa đạn đạo ở quần đảo Nansei lên 11 đơn vị vào năm 2031, từ 4 đơn vị hiện tại.
 
Trong số 7 đơn vị sẽ được lập mới, 6 đơn vị sẽ đóng phía nam tỉnh Okinawa và một đơn vị sẽ được triển khai trên đảo Amami-Oshima ở phía tây nam tỉnh Kagoshima.
 
Với 7 đơn vị phòng không mới, Nhật Bản dự kiến có tổng cộng 14 đơn vị phòng thủ tên lửa đất đối không trên khắp nước này.
 
Theo kế hoạch, Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản sẽ cải tiến tên lửa dẫn đường tầm trung Type-03 để có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo. Theo dự kiến, tên lửa này ​​được triển khai vào năm 2026. Ban đầu, tên lửa dẫn đường tầm trung Type-03 được thiết kế để đánh chặn máy bay.
 
Nhật Bản cũng sẽ cải tiến tên lửa đất đối không để chống lại vũ khí siêu thanh. Theo kế hoạch, nước này sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa loại này vào năm 2029 và triển khai năm 2032. 
 
Đối mặt với những thách thức an ninh ngày càng tăng như Trung Quốc đầu tư hiện đại hoá quân sự, Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo và xung đột kéo dài ở Ukraine, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết tăng cường "cơ bản" khả năng phòng thủ với việc tăng mạnh ngân sách quốc phòng.
 
Song song với việc tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu sở hữu khả năng phản công thời gian tới. Theo Nhật Bản, chỉ riêng hệ thống phòng thủ tên lửa như hiện nay là không đủ để đối phó với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tên lửa từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.
 
Theo Kông Anh/VTC.vn
 

.