Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan bị bắn giữa cuộc biểu tình

08:11, 04/11/2022
.
Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã bị thương sau khi đoàn xe của ông trúng đạn ngày 3-11.
 
Nhiều kênh tin tức địa phương cho biết ông Khan bị bắn khi đang dẫn đầu một cuộc biểu tình ở thủ đô Islamabad để yêu cầu chính phủ tổ chức bầu cử một cách nhanh chóng. 
 
Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan. Ảnh: Al Mayadeen
Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan. Ảnh: Al Mayadeen
Ông Khan bị trúng đạn vào chân nhưng hiện tại đã qua cơn nguy kịch. Trợ lý của ông Khan kiêm cựu Bộ trưởng Thông tin Fawad Chaudhry không bình luận khi được liên lạc. 
 
Hồi cuối tháng 8, cảnh sát đã bao vây nhà của ông Khan trong nhiều giờ. Theo tờ Al Mayadeen, cựu thủ tướng Pakistan bị buộc tội vi phạm luật chống khủng bố sau khi "đe dọa một nữ thẩm phán và 2 quan chức cảnh sát cấp cao tại một cuộc biểu tình ở thủ đô Islamabad tối 20-8".
 
Trong bài phát biểu tại cuộc biểu tình tối 20-8, ông Khan đe doạ kiện thẩm phán Zeba Chaudhry, 2 quan chức cảnh sát, Ủy ban Bầu cử Pakistan và các đối thủ chính trị khác. Ông Khan cảnh báo họ sẽ phải đối mặt với "hậu quả" vì cách đối xử với chánh văn phòng của ông, Shahbaz Gill.
 
Cuộc biểu tình ở công viên F-9, thủ đô Islamabad, do ông Khan tổ chức nhằm bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông Gill, người bị bắt về tội xúi giục nổi loạn tuần trước đó.
 
Ông Khan muốn gây áp lực buộc chính phủ công bố tổ chức cuộc bầu cử mới trong cuộc biểu tình ngày 28-10. Ảnh: Reuters
Ông Khan muốn gây áp lực buộc chính phủ công bố tổ chức cuộc bầu cử mới trong cuộc biểu tình ngày 28-10. Ảnh: Reuters
Ông Khan là thủ tướng Pakistan từ năm 2018 cho đến tháng 4 năm nay. Ông buộc phải từ chức sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Cựu thủ tướng cho rằng cuộc bỏ phiếu là "kết quả của một âm mưu của Mỹ" nhưng Washington phủ nhận cáo buộc.
 
Ông Khan từng lên tiếng phản đối các cuộc chiến tranh kéo dài của Mỹ ở Trung Á và Trung Đông.
 
Người kế nhiệm ông Khan, ông Shehbaz Sharif, trở thành thủ tướng vào ngày 11-4-2022. Ông Sharif là ứng cử viên thủ tướng duy nhất sau khi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Shah Mahmood Qureshi rút lui và từ chức.
 
Theo Phạm Nghĩa/NLĐO
 
 
 

.