Theo báo cáo mới nhất công bố hôm 14-11 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), thiệt hại do hạn hán, lũ lụt và lở đất đã tăng vọt ở châu Á trong năm 2021 - với hơn 100 vụ thiên tai, trong đó 82% là lũ lụt và mưa bão, khiến gần 4.000 người thiệt mạng và tổng thiệt hại kinh tế là 35,6 tỉ USD.
Trong đó, lũ lụt gây thiệt hại lớn nhất ở Trung Quốc (18,4 tỉ USD), tiếp theo là Ấn Độ (3,2 tỉ USD) và Thái Lan (0,6 tỉ USD). Bên cạnh đó, các cơn bão khiến Ấn Độ thiệt hại 4,4 tỉ USD, Trung Quốc 3 tỉ USD và Nhật Bản 2 tỉ USD.
Nước lũ do bão nhiệt đới Nalgae gây ra ở Boac, tỉnh Marinduque - Philippines ngày 29-10 Ảnh: REUTERS |
Theo báo cáo, hệ thống núi cao ở châu Á, bao gồm dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng, chứa khối lượng băng lớn với diện tích sông băng bao phủ xấp xỉ 100.000 km2. Tuy nhiên, thời tiết khô và ấm đặc biệt của năm 2021 đã khiến tốc độ băng tan nhanh, làm mất đi đáng kể nguồn cung cấp nước ngọt cho toàn châu Á.
Bà Armida Salsiah Alisjahbana, Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), nhấn mạnh: "Các nước cần tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng cơ sở hạ tầng linh hoạt, cải tiến trong quản lý tài nguyên nước và sản xuất cây trồng nông nghiệp trên vùng đất khô hạn".
Theo ESCAP, ước tính Trung Quốc cần đầu tư 188,8 tỉ USD, Ấn Độ cần 46,3 tỉ USD và Nhật Bản là 26,5 tỉ USD để thích ứng.
Theo
Khánh Thu/NLĐO