Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương bắc 1 từ Nga tới Đức sẽ không được mở lại theo kế hoạch vào ngày 3/9.
Nga đã đóng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 tới châu Âu. (Ảnh: RT) |
Gazprom cho biết đã phát hiện thấy rò rỉ dầu trong một turbine trên đường ống.
Theo dự kiến, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ hoạt động trở lại vào 1h sáng 3/9 (theo giờ GMT). Tuy nhiên, với thông báo mới được đưa ra, đường ống dẫn khí đốt có thể sẽ ngừng hoạt động vô thời hạn.
Việc Nga tiếp tục bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dự kiến trong 3 ngày đã khiến châu Âu một lần nữa lo lắng về khả năng Moscow sẽ không nối lại hoạt động của đường ống và cắt hoàn toàn nguồn cung sang khu vực này.
Trước đó, Nga xác nhận đóng các dòng khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đến châu Âu từ ngày 31/8 đến ngày 2/9 để bảo trì. Đồng thời, Nga cũng giảm lượng khí đốt cung cấp cho công ty Engie của Pháp sau khi công ty này từ chối thanh toán đầy đủ đối với lượng khí đốt được cung cấp hồi tháng 7.
Động thái này làm gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến kinh tế giữa Nga và EU, cũng như làm tăng nguy cơ suy thoái và ảnh hưởng đến việc phân bổ năng lượng ở một số quốc gia trong khu vực.
"Chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là nguồn cung khí đốt Nga bị gián đoạn hoàn toàn", Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher nói, sau khi công ty năng lượng Engie thông báo về việc sẽ nhận được ít khí đốt hơn từ Gazprom.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne kêu gọi các công ty lên kế hoạch tiết kiệm năng lượng vào tháng 9 tới, đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên nếu Pháp buộc phải phân phối khí đốt và điện.
Theo tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, việc bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 nghĩa là sẽ không có dòng khí đốt chảy đến Đức trong khoảng thời gian từ ngày 31/8 - 2/9.
Các nước châu Âu lo ngại rằng Nga có thể kéo dài thời gian ngừng hoạt động Dòng chảy phương Bắc 1 để đáp trả các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Châu Âu cũng cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung năng lượng như một "vũ khí chiến tranh", nhưng Moscow phủ nhận điều này.
Theo
VTV.vn