Cháy rừng hoành hành ở miền Tây Nam nước Pháp và Tây Ban Nha, buộc hàng nghìn người phải sơ tán khi nhiệt độ mùa hè cao bất thường.
Theo Reuters, đến chiều 16/7, khoảng 14.000 người được sơ tán khỏi vùng Gironde của Pháp và hơn 1.200 nhân viên cứu hỏa đã được huy động để kiểm soát các đám cháy.
Ông Vincent Ferrier, quan chức khu vực Langon ở Gironde, cho biết: "Có một đám cháy tiếp tục lan rộng".
Cháy rừng đang tàn phá một số khu vực tại nước Pháp trong những tuần gần đây, cũng như các quốc gia châu Âu khác bao gồm Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Hơn 10.000 ha đất rừng đã bị cháy ở Gironde tính đến 16/7, so với 7.300 ha hôm 15/7.
Pháp, Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội do nắng nóng. (Ảnh: Reuters). |
Tại nước láng giềng Tây Ban Nha, các nhân viên cứu hỏa phải chiến đấu với hàng loạt đám cháy hôm 16/7 sau nhiều ngày nhiệt độ cao bất thường lên tới 45,7 độ C.
Theo số liệu của Viện Y tế Carlos III, đợt nóng kéo dài gần một tuần khiến 360 người tử vong tại nước này. Ngoài ra, hơn 3.000 người đã phải sơ tán khỏi nhà do một vụ cháy rừng lớn gần Mijas, thị trấn ở tỉnh Malaga nổi tiếng với khách du lịch Bắc Âu. Nhiều người đã được đưa đến nơi trú ẩn trung tâm thể thao của tỉnh.
Những nơi khác ở Tây Ban Nha, như gần Casas de Miravete ở vùng Extremadura, những đám khói đen dày đặc bốc lên không trung khi máy bay trực thăng đổ nước dập các đám cháy. Khoảng 3.000 ha đất đã bị ảnh hưởng từ đám cháy, buộc hai ngôi làng phải sơ tán.
Cháy rừng hoành hành khi Tây Ban Nha trải qua đợt nắng nóng thứ hai trong năm. Một số nước khác cũng trải qua tình trạng tương tự.
Tại Bồ Đào Nha, nhiệt độ bắt đầu giảm hôm 16/7 sau khi đạt khoảng 40 độ C trong những ngày gần đây. Tuy nhiên trước đó, tổng cộng 39.550 ha đã bị các đám cháy tàn phá, tính đến giữa tháng 6. Bộ Y tế Bồ Đào Nha cho hay, 238 người đã chết do đợt nắng nóng từ ngày 7 đến ngày 13/7, hầu hết trong số họ là những người cao tuổi có các bệnh lý nền.
Bên kia Địa Trung Hải, các đám cháy ở Maroc "xé toạc" hơn 2.000 ha rừng ở Larache, Ouazzane, Taza và Tetouane, khiến ít nhất một người thiệt mạng, chính quyền địa phương cho biết. Hơn 1.000 hộ gia đình đã được sơ tán và hầu hết đám cháy đã được dập tắt.
Tại Anh, cơ quan dự báo thời tiết quốc gia đưa ra cảnh báo "nhiệt độ cực cao", màu đỏ đầu tiên cho một số vùng. Nhiệt độ tại Anh dự kiến có thể phá kỷ lục và ủy ban ứng phó khẩn cấp của chính phủ nước này sẽ họp.
Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Anh là 38,7 C, được ghi lại ở Cambridge vào ngày 25/7/2019.
Theo
Phương Anh/NLĐO