Phần Lan, Thụy Điển tham gia tập trận chung với NATO

02:06, 06/06/2022
.
Ngày 5/6, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu cuộc tập trận thường niên mang tên Baltops lần thứ 51 với sự tham gia của 16 nước.
 
[links()]
 
Tàu chiến tham gia cuộc tập trận Baltops 22. (Ảnh: AP)
Tàu chiến tham gia cuộc tập trận Baltops 22. (Ảnh: AP)
Đặc biệt tham gia cuộc tập trận Baltops năm nay có hai nước đang tìm cách gia nhập liên minh quân sự NATO là Phần Lan và Thụy Điển.
 
Ngoài Phần Lan và Thụy Điển, các quốc gia cử lực lượng tham gia tập trận gồm Bỉ, Bulgaria, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ. Thụy Điển đóng vai trò là nước chủ nhà của cuộc tập trận lần này.
 
Theo kế hoạch, cuộc tập trận NATO trên biển Baltic kéo dài từ ngày 5 - 17/6 với sự tham gia của 7.000 binh sĩ, 75 máy bay và 45 tàu chiến các loại.
 
Hai giai đoạn chính của cuộc tập trận gồm những hoạt động huấn luyện nâng cao năng lực chiến đấu và huấn luyện phối hợp giữa các lực lượng.
 
NATO tuyên bố, với sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển, liên minh quân sự này đang nắm bắt cơ hội trong một thế giới không thể đoán trước nhằm tăng cường sức mạnh và khả năng phục hồi của mình.
 
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley nhấn mạnh, biển Baltic là khu vực có tầm quan trọng chiến lược, đồng thời đánh giá cao khả năng tương tác của Phần Lan và Thụy Điển cũng như sự chia sẻ thông tin của hai quốc gia này với NATO.
 
“Điều quan trọng đối với chúng tôi - Mỹ và các nước NATO khác - là thể hiện tình đoàn kết với cả Phần Lan và Thụy Điển trong cuộc tập trận này”, Tướng Mark Milley cho biết hôm 4/6.
 
Batltops là hoạt động tập trận thường niên được tổ chức kể từ năm 1972, quy tụ các đồng minh NATO và đối tác nhằm tăng cường khả năng tương tác và nâng cao tính linh hoạt giữa những bên tham gia. Là đối tác thân thiết của NATO, Phần Lan và Thụy Điển đã tham gia cuộc tập trận hải quân này từ giữa những năm 1990.
 
Baltops 22 dự kiến ​​kết thúc tại cảng Kiel của Đức vào ngày 17/6.
 
Các sự kiện huấn luyện trực tiếp bao gồm hoạt động phòng không, tác chiến chống tàu ngầm, ngăn chặn hàng hải, đối phó mìn, hoạt động đổ bộ, ứng phó y tế, tìm kiếm cứu nạn...
 
Theo Quỳnh Chi/VTV.vn
 

.