Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos - Thuỵ Sỹ năm nay lần đầu tiên được tổ chức vào đầu Hè, sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 tại châu Âu.
Ngày 22/5 diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 đã khai mạc tại Davos, Thuỵ Sỹ sau hơn 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, với trọng tâm thảo luận là các tác động của cuộc chiến tại Ukraine và các biện pháp phong toả chống COVID-19 tại Trung Quốc đến nền kinh tế thế giới cũng như nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Vốn là sự kiện thông lệ thường niên thu hút sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước cũng như lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới vào tháng 1 hàng năm, Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos - Thuỵ Sỹ năm nay lần đầu tiên được tổ chức vào đầu Hè, sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 tại châu Âu.
Khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2022. (Ảnh: Reuters) |
Bối cảnh ảm đạm của kinh tế thế giới, với việc lạm phát đang tăng cao tại nhiều quốc gia, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và khủng hoảng lương thực cũng sẽ là một trong những trọng tâm được những quan chức như Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde hay Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo thảo luận. Ngoài ra, các mối đe doạ ngày càng lớn của biến đổi khí hậu cũng sẽ là ưu tiên được các chính trị gia và đại diện của giới tư bản đề cập.
Ông Klaus Schwab, người sáng lập đồng thời là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, cho biết, trong bối cảnh thế giới phức tạp và khó lường như hiện nay, chủ đề của Diễn đàn Kinh tế thế giới – Davos 2022 là “Lịch sử trước ngã rẽ: Chính sách của các chính phủ và chiến lược của doanh nghiệp”.
Ông Klaus Schwab đánh giá, chưa khi nào Diễn đàn kinh tế thế giới phải đối mặt cùng lúc với nhiều câu hỏi trọng đại như thế đối với nhân loại, khi đại dịch COVID-19 lớn nhất trong 1 thế kỷ qua cướp đi sinh mạng của trên 15 triệu người vẫn chưa chấm dứt, và cuộc chiến tại Ukraine đã phá vỡ sự ổn định địa chính trị trong nhiều thập kỷ qua.
“Câu hỏi lớn đặt ra với chúng ta tại Davos là làm thế nào để phát triển năng lực bền bỉ cần thiết ở cấp độ cá nhân, quốc gia và toàn cầu để trang bị tốt hơn cho tương lai, không chỉ để đối phó với các loại virus mà còn với tất cả những biến động to lớn đối với hệ thống hỗ trợ cuộc sống của chúng ta”, ông Klaus Schwab nói.
Khác với nhiều kỳ họp hàng năm trước đại dịch, Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2022 không có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo các cường quốc lớn trên thế giới như nguyên thủ các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản. Đại diện cấp cao nhất của Mỹ tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay là ông John Kerry, Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ.
Tại Davos, ông John Kerry sẽ có các cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc để thảo luận về các nỗ lực chung của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong việc đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Về phía châu Âu, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, sẽ góp mặt.
Theo
Quang Dũng/VTC.vn