Các cuộc điều tra dư luận cho thấy đến thời điểm này, Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron vẫn dẫn đầu, nhưng với khoảng cách khá sít sao so với ứng viên cực hữu Marine Le Pen.
Tòa thị chính quận XVI Paris, một trong những điểm bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Pháp. (Ảnh : Thu Hà/Vietnam+) |
Người dân Pháp sắp bước vào những thời khắc quan trọng để lựa chọn người lãnh đạo đất nước mình trong 5 năm tới.
Các cuộc điều tra dư luận cho thấy đến thời điểm này, Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron vẫn dẫn đầu, nhưng với khoảng cách khá sít sao so với ứng viên cực hữu thuộc đảng Tập hợp Quốc gia (Rassemblement national), Marine Le Pen.
Cách xa hơn là ứng cử viên cánh tả, ông Jean-Luc Melenchon. Các ứng viên khác như ông Eric Zemmour, bà Valérie Pécresse, hay ông Fabien Roussel, cũng là những gương mặt nổi trội, trong tổng số 12 gương mặt tranh cử của vòng bầu cử đầu tiên này.
Ứng cử viên nào cũng đưa ra cương lĩnh tranh cử của riêng mình để thuyết phục cử tri.
Nếu như ông Emmanuel Macron hứa hẹn các biện pháp lãnh đạo mới trong đó ưu tiên giáo dục và y tế, giảm thuế và tăng việc làm, thì đối thủ của ông, bà Marine Le Pen, đã rút kinh nghiệm những lần tranh cử trước, từ bỏ đề xuất rút nước Pháp ra khỏi định chế Liên minh châu Âu (EU) và khu vực đồng Euro, đồng thời quan tâm hơn đến đời sống người dân. Tuy nhiên quan điểm cứng rắn của bà về nhập cư thì vẫn giữ nguyên.
Trong khi ông Jean-Luc Melenchon, ứng cử viên đảng Nước Pháp Bất khuất (La France Insoumise), đặt cược vào đề xuất lập ra nền Cộng hòa thứ 6, tập trung ưu tiên công bằng xã hội, thì ông Eric Zemmour, sáng lập viên đảng Chinh phục Trở lại (Reconquête), lại tập trung vào vấn đề nhập cư, chủ quyền và an ninh.
Tuy ứng cử viên đảng Những người Cộng hòa (Les Républicains), Valérie Pécresse, đặt vấn đề an ninh, sức mua và tăng lương lên hàng đầu, nhưng cơ hội của bà cũng không còn nhiều vì sức hấp dẫn đối với cử tri không cao như lúc đầu nữa.
Ông Fabien Roussel, ứng cử viên đảng Cộng sản (PS), cũng rơi vào trường hợp tương tự, mặc dù cương lĩnh tranh cử của ông là nghỉ hưu ở tuổi 60, làm việc 32 giờ/tuần, tăng lương hưu và tăng lương tối thiểu.
Với các ứng cử viên còn lại, mục tiêu của họ cũng tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu như kinh tế, xã hội, việc làm, nhập cư, với từng kế hoạch cụ thể khác nhau, nhưng cũng đều chưa thuyết phục được nhiều cử tri.
Trong bối cảnh nước Pháp đã qua đỉnh dịch, nhưng COVID-19 vẫn còn tồn tại, ẩn số lớn nhất của cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay chính là tỷ lệ cử tri không đi bầu, và những ngày cuối cùng trước vòng một sẽ quyết định kết quả chung cuộc, vì rất nhiều người đến giờ chót mới dứt khoát bỏ phiếu cho ai.
Theo
Nhandan.vn