Giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao trong phiên giao dịch ngày 2-3 khi các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, trong đó có Saudi Arabia và Nga, từ chối tăng thêm sản lượng mỗi ngày.
Giá xăng và dầu diesel tại một trạm nhiên liệu ở Anh ngày 2-3 - Ảnh: AFP |
Việc OPEC+ không tăng mạnh sản lượng là điều đã được giới phân tích dự báo từ trước, bất kể tình hình căng thẳng ở Ukraine dẫn tới những lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Giá dầu tăng sau tin tức này. Giá dầu Brent giao sau chuẩn quốc tế giao dịch ở mức 113,36 USD/thùng chiều 2-3 theo giờ London, tăng khoảng 8%.
Chốt phiên giao dịch ngày 2-3 tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 4 tiếp tục tăng thêm 7 USD, lên 110,60 USD/thùng.
OPEC chiếm khoảng 40% nguồn cung dầu của thế giới. Trước cuộc họp của nhóm này, Cơ quan Năng lượng quốc tế cam kết thúc đẩy việc tung ra thị trường 60 triệu thùng dầu để bù đắp sự gián đoạn thị trường năng lượng.
Mỹ cho biết 30 triệu trong tổng số đó sẽ đến từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của nước này.
Trong cuộc họp báo ngày 2-3, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định Mỹ không có lợi ích chiến lược gì trong việc giảm nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, theo bà Jean-Pierre, Mỹ sẽ cân nhắc chặn dòng chảy năng lượng xuất khẩu của Nga nếu Matxcơva "gây hấn" hơn nữa ở Ukraine. Đại diện Nhà Trắng cũng thừa nhận nếu áp đặt biện pháp này vào thời điểm hiện tại, giá dầu thế giới sẽ tăng hơn nữa.
Phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Daleep Singh, tiết lộ với Đài CNN rằng chính quyền Joe Biden đang xem xét giảm nhập khẩu dầu từ Nga và tìm các nhà cung cấp khác.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, tính riêng trong năm 2021, Mỹ nhập khẩu trung bình hơn 20,4 triệu thùng sản phẩm thô và tinh chế mỗi tháng từ Nga.
Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành dầu mỏ Nga.
Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, lo sợ các rủi ro tiềm ẩn, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp đã tránh xa các giao dịch liên quan đến dầu mỏ và khí đốt Nga.
Theo
BẢO DUY/Tuoitre.vn