Ukraine công bố hiệp ước an ninh với Anh, Ba Lan

08:02, 18/02/2022
.
Chính phủ Ukraine hôm 17/2 công bố hiệp ước an ninh mới với Anh và Ba Lan trong bối cảnh căng thẳng với Nga gia tăng thời gian gần đây.
 
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, hiệp ước này nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Ukraine với hai quốc gia châu Âu trong các vấn đề an ninh mạng, an ninh năng lượng và chống lại thông tin sai lệch.
 
Ngoại trưởng Anh Liz Truss và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại buổi họp báo hôm 17/2.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại buổi họp báo hôm 17/2.
Thông báo về hiệp ước an ninh giữa Ukraine, Anh và Ba Lan được đưa ra trong chuyến thăm Kiev hôm 17/2 của Ngoại trưởng Anh Liz Truss. Chính phủ Anh đã tìm cách đóng vai trò tích cực, rõ ràng đối với Ukraine, cung cấp vũ khí chống tăng cho quân đội nước này trong nỗ lực ngăn chặn một cuộc tấn công bằng thiết giáp của Nga.
 
“Ba Lan và Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ, đoàn kết với Ukraine khi đối mặt với hành động gây hấn đang diễn ra của Nga”, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết khi thông báo về hiệp ước an ninh giữa Ukraine, Anh và Ba Lan.
 
Ukraine ký kết hiệp ước an ninh Anh và Ba Lan trong bối cảnh quan hệ giữa Moskva và Kiev gia tăng trong thời gian gần đây. Sau khi Nga tuyên bố bắt đầu rút quân khỏi biên giới Ukraine hôm 15/2, dư luận phương Tây bày tỏ hoài nghi trước động thái này.
 
Giới chức phương Tây tin rằng Moskva đang tìm kiếm một lý do chiến tranh để biện minh cho việc điều động lực lượng ước tính khoảng 100.000-150.000 quân áp sát Ukraine. Các quan chức Nga khẳng định nước này không có kế hoạch như vậy.
 
Hôm 17/2, Nga cũng giảm một nửa đề xuất an ninh với Mỹ và NATO so với các yêu cầu ban đầu hồi tháng 12 năm ngoái. Theo đó, Moskva muốn Washington rút quân khỏi các quốc gia phía đông NATO, đồng thời yêu cầu phương Tây ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
 
Nga cảnh báo nếu không có những nhượng bộ này, các đề nghị của Mỹ và NATO về việc thảo luận các giới hạn triển khai tên lửa ở châu Âu sẽ không diễn ra.
 
Các quan chức NATO và Mỹ đã bác bỏ các yêu cầu này, cho rằng điều đó là không thực tế, đồng thời nhấn mạnh các nước láng giềng của Nga có quyền đưa ra các quyết định an ninh của mình.
 
Theo Kông Anh/VTC.vn
 

.