Nga đã triển khai 6 chiến hạm từ Địa Trung Hải tới biển Đen để tham gia các cuộc tập trận hải quân, đồng thời tập trận chiến thuật ở miền Nam nước này.
Hãng tin Interfax ngày 8-2 dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết 6 chiến hạm trên đang từ Địa Trung Hải hướng tới biển Đen để tham gia các cuộc tập trận hải quân "được lên kế hoạch trước".
Hồi tháng 1, Nga thông báo lực lượng hải quân nước này sẽ tiến hành một loạt cuộc tập trận với sự góp mặt của tất cả hạm đội vào tháng 1 và tháng 2. Địa điểm tập trận từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương.
Cùng ngày 8-2, Nga cũng xác nhận bắt đầu các cuộc tập trận hải quân ở khu vực phía Nam. Động thái này diễn ra vài giờ sau khi nguồn tin Pháp cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết không tổ chức các cuộc tập trận mới gần biên giới Ukraine vào thời gian này.
Chiến hạm Nga tại biển Caspian. Ảnh: Reuters |
Chưa rõ các cuộc tập trận này là hoàn toàn mới hay là một phần của kế hoạch dài hạn. Tháng 12 năm ngoái, Moscow nói rằng họ sẽ tiến hành 3.000 cuộc tập trận ở khu vực phía Nam trong suốt năm 2022.
Trước đó, ngày 7-2, Tổng thống Putin đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Kremlin. Ông Macron là nhà lãnh đạo cấp cao nhất của phương Tây đến thăm Nga kể từ khi Moscow "triển khai hơn 100.000 binh sĩ gần Ukraine".
Khu vực phía Nam, nơi hải quân Nga hiện diện, giáp Ukraine và bao gồm bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ được Nga sáp nhập năm 2014.
Trong khi đó, hãng tin TASS ngày 7-2 cho biết Nga đã phản ứng về báo cáo Mỹ "triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Ukraine" tiềm tàng. Moscow cảnh báo điều đó có thể dẫn đến sự mất ổn định nghiêm trọng.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng nếu Mỹ triển khai tên lửa tại Ukraine, cuộc khủng hoảng đang diễn ra liên quan tới Ukraine sẽ tiếp tục leo thang.
Theo nguồn tin của TASS, Ukraine yêu cầu Mỹ lắp đặt các hệ thống THAAD cùng với thiết bị radar AN/TPY-2 tương ứng ở một trong những khu vực phía Đông giáp với Nga. AN/TPY-2 cho phép Kiev và các đồng minh NATO quan sát sâu vào lãnh thổ Nga ở khoảng cách lên tới 1.000 km.
Gần đây, phương Tây cung cấp khoảng 1.000 tấn thiết bị quân sự cho Ukraine trong bối cảnh lo ngại Nga "can thiệp quân sự vào nước láng giềng". Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba ngày 7-2 ca ngợi "sự hỗ trợ chính trị và kinh tế quốc tế" mà Kiev nhận được.
"Trong những tuần và tháng này, chúng tôi nhận được hơn 1,5 tỉ USD và hơn 1.000 tấn vũ khí" - ông Kuleba nói. Chỉ riêng hồi tháng 1, Mỹ bàn giao 79 tấn thiết bị quân sự cho Ukraine, bao gồm khoảng 300 hệ thống chống tăng Javelin. Anh cũng gửi một lượng vũ khí khá lớn, bao gồm tên lửa chống tăng NLAW, cho Ukraine cùng với nhân viên quân sự giúp đào tạo quân đội Kiev sử dụng vũ khí mới.
Theo
Phạm Nghĩa/NLĐO