Chiều 24/1 (giờ địa phương), các nhà lập pháp từ cả 2 viện của Quốc hội và đại diện vùng đã bắt đầu quá trình bỏ phiếu kín để bầu tổng thống mới của Italy.
Ông Mario Draghi. Ảnh: AFP |
Quá trình bỏ phiếu có thể kéo dài nhiều ngày với mỗi ngày sẽ có 1 cuộc bỏ phiếu. Trong 3 vòng bỏ phiếu đầu tiên, người đắc cử tổng thống phải giành được đa số 2/3 số phiếu ủng hộ (tương đương 673 phiếu). Sau đó, từ vòng thứ 4 họ chỉ cần giành đa số tuyệt đối là 505 phiếu.
Không có ứng cử viên chính thức nào trong các cuộc bầu cử tổng thống tại Italy và các đại cử tri có quyền bỏ phiếu cho bất kỳ ai, miễn người đó là công dân Italy, trên 50 tuổi và không bị cấm đảm nhiệm chức vụ này.
Cả khối trung hữu lẫn trung tả hiện đều không có đủ phiếu bầu để đảm bảo chiến thắng cho ứng cử viên từ phe của họ, có nghĩa các đảng cần phải có một số thỏa hiệp để ngăn chặn tình trạng bế tắc kéo dài.
Các nhà lãnh đạo của các đảng chính trị tại Italy đã tổ chức họp trong nhiều ngày để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, được cho là gay go và khó dự đoán kết quả này.
Italy là một nước cộng hòa nghị viện, nhưng tổng thống không chỉ có những nhiệm vụ mang tính lễ nghi và là biểu tượng của sự thống nhất quốc gia.
Theo Hiến pháp Italy, người đứng đầu nhà nước cũng chịu trách nhiệm giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị và quyết định ai sẽ thành lập chính phủ, khiến chức vụ này trở nên quan trọng tại một quốc gia mà các chính phủ chỉ tồn tại được trung bình một năm.
Năm nay, lần đầu tiên, cuộc bầu cử tổng thống Italy thu hút được sự quan tâm của quốc tế khi Thủ tướng Mario Draghi được xem là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ này do không có ai có được địa vị và sự nghiệp xứng đáng, cũng như có uy tín ở trong và ngoài nước như ông.
Nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu các đảng ủng hộ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Draghi có ủng hộ ông hay không vì họ lo ngại sự ra đi của ông có thể kích hoạt một cuộc bầu cử sớm.
Theo
Nhandan.vn