Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể COVID-19 mới lần đầu tiên được phát hiện ở miền Nam châu Phi là Omicron.
Biến thể mới B.1.1.529 được WHO đặt tên là Omicron. (Ảnh: AP) |
Cơ quan y tế toàn cầu WHO đã họp vào ngày 26/11 để đặt tên cho biến thể mới B.1.1.529 và quyết định phân loại biến chủng này là biến thể đáng lo ngại, thay vì xếp loại ít nghiêm trọng hơn là biến thể đáng quan tâm.
Biến thể Delta, gây ra tình trạng gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu sau khi được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 12/2020, cũng đã được WHO xếp vào loại biến thể đáng lo ngại vào đầu năm 2021.
WHO đã áp dụng cách đặt tên các biến thể theo những chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp, một phần là để tránh sự kỳ thị địa lý gắn liền với các khu vực nơi chúng được xác định lần đầu tiên. Nhiều nhà quan sát đã mong đợi B.1.1.529 được đặt tên là "Nu".
Liên quan đến Omicron, WHO cho biết, biến chủng này có một số lượng lớn các đột biến. WHO xác nhận: "Bằng chứng sơ bộ cho thấy, nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên so với các chủng khác".
Tuyên bố được đưa ra sau khi người phát ngôn của WHO, ông Christian Lindmeier cảnh báo, các chính phủ không nên áp đặt những hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của Omicron. Ông Christian Lindmeier nói rằng, sẽ mất vài tuần để các nhà khoa học đánh giá mức độ lây truyền và độc lực, cũng như khả năng né tránh miễn dịch từ vaccine của biến thể mới.
Nhiều quốc gia đang lựa chọn hành động phản ứng ngay lập tức với biến thể mới bằng các lệnh cấm đi lại và kiểm dịch nhằm hạn chế Omicron lây lan, thay vì chờ đợi nghiên cứu được hoàn tất. Trường hợp nhiễm biến thể đầu tiên được ghi nhận tại châu Âu đã được xác định vào ngày 26/11 tại Bỉ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi cần đình chỉ tất cả những chuyến bay giữa EU và các quốc gia có trường hợp nhiễm Omicron trong lúc rủi ro của biến thể này được đánh giá.
Theo
Quỳnh Chi/VTV.vn