Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp các lệnh trừng phạt đầu tiên với Nga liên quan tới vụ việc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny nghi bị đầu độc.
[links()]
Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đang điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng cứng rắn hơn với Nga so với người tiền nhiệm Donald Trump. (Ảnh: Reuters) |
Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng công bố lệnh trừng phạt 14 doanh nghiệp Nga bị cáo buộc liên quan đến "các hoạt động đi ngược lại các lợi ích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ". Hầu hết các doanh nghiệp trong danh sách trừng phạt là các doanh nghiệp về sản xuất hóa học và sinh học.
Lệnh trừng phạt bao gồm hạn chế xuất khẩu và hạn chế thị thực. Đây là các lệnh trừng phạt đầu tiên mà Mỹ áp đặt lên Nga kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1.
Giới chức Mỹ cho biết, các lệnh trừng phạt trên nhằm đáp trả cáo buộc Nga có liên quan đến âm mưu đầu độc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny và Tổng thống Biden kêu gọi Nga trả tự do cho ông Navalny - người đang bị giam giữ ở Nga sau khi từ Đức trở về nước.
Các quan chức Mỹ cũng cảnh báo, các lệnh trừng phạt này mới chỉ là khởi đầu và Tổng thống Biden sẽ tiếp tục xem xét lại các hành động của Moscow trước khi có những bước đi tiếp theo. "Hôm nay mới chỉ là đòn đáp trả đầu tiên, sẽ còn nhiều hơn nữa trong thời gian tới", một quan chức Mỹ cho biết. Mặt khác, giới chức Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden sẵn sàng sàng hợp tác với Nga trong một số vấn đề như Iran, Triều Tiên.
Tổng thống Biden được cho là đang điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng cứng rắn hơn với Nga sau khi người tiền nhiệm Donald Trump giảm nhẹ lập trường của Washington về Moscow. Quan hệ Nga - Mỹ cho đến nay vẫn ở trong trạng thái căng thẳng với mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề mặc dù ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Biden đã đồng ý gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) với Nga. Đó là lý do giới quan sát cho rằng mối quan hệ Nga - Mỹ khó cải thiện ít nhất trong 4 năm tới.
Châu Âu công bố lệnh trừng phạt Nga
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố các lệnh trừng phạt Nga. Theo đó, EU trừng phạt 4 quan chức cấp cao của chính phủ Nga gồm người đứng đầu Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov, Tổng công tố Igor Krasnov, Chủ tịch Ủy ban điều tra quốc gia Nga và người đứng đầu cơ quan thi hành án. Hồi tháng 10 năm ngoái, EU cũng đã áp lệnh cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản của 6 công dân và 1 tổ chức của Nga.
Điện Kremlin hiện chưa bình luận về các động thái của Mỹ và EU, song trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow chắc chắn sẽ đáp trả bất cứ lệnh trừng phạt nào của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói, quyết định trừng phạt của Mỹ là "đòn tấn công thù địch" chống lại Nga và điều đó sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của Moscow. "Chúng tôi sẽ phản ứng trên cơ sở có đi, có lại, không nhất thiết phải tương xứng", bà Zakharova nói.
Vụ việc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny nghi bị đầu độc khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây leo thang căng thẳng. Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Theo Minh Phương/Dân Trí