Trong thư gửi tới Ấn Độ, phía Myanmar yêu cầu bàn giao các cảnh sát vượt biên "để duy trì quan hệ hữu nghị". Trước đó, các cảnh sát đã vượt biên sang Ấn Độ vì không muốn thực hiện mệnh lệnh của quân đội Myanmar.
[links()]
Cảnh sát và binh sĩ tụ tập trên đường phố khi người dân tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Yangon ngày 6-3 - Ảnh: AFP |
Những ngày gần đây, khoảng 30 cảnh sát Myanmar cùng người thân của họ đã vượt biên để xin tị nạn, trong bối cảnh các lực lượng an ninh Myanmar ngày càng mạnh tay với người biểu tình, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Một quan chức cấp cao ở khu vực Champhai, bang Mirozam của Ấn Độ nói với Reuters rằng bà đã nhận được thư từ chính quyền khu vực Falam (Myanmar), gần biên giới với Ấn Độ, yêu cầu bàn giao 8 cảnh sát "để duy trì quan hệ hữu nghị".
Quan chức tên Maria C.T. Zuali ở Champai cho biết bà "đang chờ chỉ đạo" từ Bộ Nội vụ của Ấn Độ. Phía bộ này vẫn chưa bình luận.
Trong bức thư mà Hãng tin Reuters tiếp cận được, phía Myanmar nói rằng họ có thông tin về 8 cảnh sát đã vượt biên qua Ấn Độ. Bức thư đã liệt ra các thông tin chi tiết về 4 trong số 8 cảnh sát, với tuổi từ 22 tới 25, gồm một nữ cảnh sát.
"Để duy trì quan hệ hữu nghị giữa hai nước láng giềng, xin Ấn Độ bắt giữ 8 cảnh sát Myanmar đã đến lãnh thổ Ấn Độ và bàn giao lại cho Myanmar" - bức thư viết.
Thông tin trên được tiết lộ giữa bối cảnh truyền thông cho biết hơn 600 cảnh sát đã tham gia vào phong trào biểu tình phản đối đảo chính quân sự. Chỉ có bang Rakhine không ghi nhận các cuộc biểu tình có sự tham gia của cảnh sát, theo trang The Irrawaddy.
Mặc dù đã xuất hiện nhiều thông tin trên mạng xã hội cho biết cảnh sát cũng tham gia biểu tình phản đối quân đội Myanmar, vụ vượt biên trên là vụ cảnh sát bỏ trốn khỏi Myanmar đầu tiên được truyền thông đưa tin kể từ hôm 1-2.
Theo BÌNH AN/Tuổi trẻ Online