Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Myanmar yêu cầu khôi phục chính phủ dân cử ở Myanmar, đồng thời kêu gọi quân đội nước này ngừng đàn áp người biểu tình.
[links()]
"Sự đàn áp phải dừng lại... Chúng ta phải tố cáo các hành động của quân đội. Điều quan trọng là hội đồng cần phải kiên quyết và chặt chẽ trong việc cảnh báo quân đội và sát cánh cùng người dân Myanmar, ủng hộ kết quả bầu cử rõ ràng vào tháng 11", Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Myanmar Christine Schraner Burgener nói trong cuộc họp kín về cuộc khủng hoảng ở Myanmar hôm 5/3.
Cũng tại cuộc họp, bà Schraner kêu gọi Hội đồng Bảo an hành động theo "những lời cầu xin tuyệt vọng" từ quốc gia Đông Nam Á.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Myanmar Christine Schraner. (Ảnh: NAU) |
"Tôi đã trực tiếp nghe thấy lời khẩn cầu tuyệt vọng từ các bà mẹ, học sinh và người già", bà cho hay.
Bà Schraner kêu gọi các cường quốc trên thế giới "mạnh mẽ và kịp thời" trong việc thúc đẩy khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc hy vọng sẽ tới thăm Myanmar và sử dụng ảnh hưởng của mình giúp tìm ra giải pháp hòa bình cho quốc gia Đông Nam Á thông qua đối thoại. Bà đồng thời nhấn mạnh giải pháp hòa bình đòi hỏi quân đội phải trả tự do ngay cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
Liên quan tới những tranh cãi gần đây về đại diện cho Myanmar tại Liên hợp quốc, bà Schraner kêu gọi ủng hộ ông Kyaw Moe Tun - người bị chính quyền quân sự cách chức sau bài phát biểu chấn động tại Liên hợp quốc.
Quân đội Myanmar bổ nhiệm cấp phó của ông Kyaw lên thay thế nhưng ông này từ chức một ngày sau đó. Kyaw khẳng định chính quyền quân sự là "bất hợp pháp", không có quyền loại bỏ ông và ông vẫn là đại diện của Myanmar tại Liên hợp quốc.
Quân đội Myanmar bắt Cố vấn Suu Kyi và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền với cáo buộc có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020.
Theo Liên hợp quốc, ít nhất 54 người thiệt mạng và hơn 1.700 người bị quân đội Myanmar bắt giữ kể từ khi xảy ra chính biến.
Bất chấp hành động mạnh tay của quân đội, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Myanmar khẳng định họ vẫn sẽ tiếp tục xuống đường biểu tình.
Các nước phương Tây bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu đã thực hiện hoặc đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt nhằm vào lực lượng quân sự Myanmar.
Theo Song Hy/VTC.vn