Hơn 31,4 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, Mỹ vượt mốc 204 nghìn ca tử vong

03:09, 22/09/2020
.
Tính đến thời điểm này, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 31,4 triệu ca, tổng số ca tử vong là hơn 968 nghìn.
 
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19. Ảnh minh họa
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19. Ảnh minh họa
Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới đã vừa cán mốc 7 triệu ca mắc COVID-19, hơn 204 ngàn ca tử vong. Các chuyên gia cho rằng dịch bệnh đang "âm ỉ" trên khắp nước Mỹ khi mùa cúm tới.
 
Tại châu Á, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ chưa có dấu hiệu lắng dịu khi số ca mắc mới và số ca tử vong hàng ngày vẫn ở mức cao, lần lượt là trung bình 100.000 ca và 1.000 ca. Tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 5,5 triệu người mắc bệnh và 88.231 ca tử vong.
 
Tính đến sáng 21/9, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 23.045 ca mắc bệnh, tăng 70 ca so với số liệu một ngày trước, bao gồm 55 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 15 ca có yếu tố ngoại nhập. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Hàn Quốc duy trì số ca nhiễm COVID-19 mới ở mức 2 con số. Mặc dù số ca nhiễm mới mỗi ngày đã có xu hướng giảm, song giới chức y tế Hàn Quốc nhận định vẫn chưa thể nới lỏng công tác phòng dịch.
 
Tại Đông Nam Á, Philippines đã quyết định nới lỏng lệnh cấm xuất cảnh đối với các y tá cũng như nhân viên y tế khác nhằm tạo điều kiện cho nhiều người tìm được công việc ở nước ngoài hơn. Quyết định trên được giới chức Philippines đưa ra trong bối cảnh chính phủ nước này tin rằng đã kiểm soát được dịch bệnh. Hiện Philippines có số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực, với 290.190 ca, trong đó có 4.999 ca tử vong, chỉ đứng sau Indonesia.
 
Indonesia thông báo thêm 4.176 ca mắc, mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày. Tính tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã lên tới 248.852 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 124 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do dịch COVID-19 lên 9.677 người, cao nhất tại Đông Nam Á. Tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến các nhóm tôn giáo và các chuyên gia lên tiếng hối thúc nhà chức trách nước này hoãn tổ chức cuộc bầu cử khu vực, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9/12 tới.
 
Thái Lan trong 24 giờ qua không có thêm ca nhiễm mới nào. Tính đến trưa 21/9, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.506 ca mắc COVID-19, trong đó có 59 trường hợp tử vong. Mặc dù Thái Lan được đánh giá là khống chế đại dịch COVID-19 tương đối thành công, ngày 21/9, Thủ tướng Prayut Chan-ocha vẫn tiếp tục yêu cầu các tình nguyện viên y tế không được chủ quan và luôn cảnh giác trước một đợt lây nhiễm thứ hai có thể xảy ra.
 
Dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Đông. Bộ Y tế Iraq thông báo cấm người nước ngoài nhập cảnh nước này trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng tại Iraq cũng như các nước láng giềng. Iraq mới ghi nhận thêm 3.438 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 319.035 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 64 ca lên 8.555 ca, trong khi số ca bình phục tăng thêm 4.052 ca lên 253.591 ca.
 
Bộ Y tế Iran xác nhận, thêm 3.097 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 422.140 ca. Số ca tử vong tăng 183 ca lên 24.301 ca, trong khi tổng số ca khỏi bệnh tăng lên 359.570 ca. Bộ Y tế Saudi Arabia xác nhận thêm 483 ca mắc mới. Đây là số ca mắc trong một ngày thấp nhất tại vương quốc này kể từ giữa tháng 4, theo đó nâng tổng số ca mắc tại Saudi Arabia lên 329.754 ca. Số ca tử vong tăng 27 ca lên 4.485 ca, trong khi số ca bình phục tăng thêm 1.009 ca lên 310.439 ca.
 
Tại châu Âu, Nga thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh từng áp dụng với các công dân một số nước. Cụ thể, Chính phủ Nga cho biết đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với người tới từ Hàn Quốc, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đồng thời người dân Nga có thể tới những quốc gia trên. Ngày 21/9, Nga ghi nhận 6.196 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 18/7, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 1.109.595 ca. Hiện Nga đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc COVID-19. Nhà chức trách Nga cũng thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 71 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 19.489 ca.
 
Tại Tây Ban Nha, khoảng 1 triệu người dân trong và xung quanh thủ đô Madrid bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa một phần để kiềm chế số ca mắc mới. Các biện pháp hạn chế tại Madrid sẽ kéo dài 2 tuần, tác động chủ yếu tới những người dân sinh sống ở các khu dân cư đông đúc và thu nhập thấp. Những người này sẽ chỉ được phép đi lại trong những trường hợp đặc biệt như đi làm, đưa trẻ tới trường hoặc đi khám chữa bệnh. Tây Ban Nha đã ghi nhận tổng cộng hơn 659.000 ca mắc COVID-19 - nhiều nhất ở Tây Âu, trong đó 30.495 người đã tử vong
 
Dịch bệnh được cho là đang "âm ỉ" trên khắp nước Mỹ khi mùa cúm tới. Khi nước Mỹ đang tiến gần tới mốc đáng buồn - 200.000 ca tử vong do dịch bệnh, đại dịch nguy hiểm này không còn chỉ tập trung tại một hay hai "tâm chấn". Thay vào đó, nó đang lây lan khắp các bang, làm dấy lên lo ngại rằng khi thời tiết chuyển lạnh, số ca nhiễm có thể tăng mạnh hơn trong những tháng mùa Thu và mùa Đông sắp tới.
 
Trung bình mỗi ngày nước Mỹ mất đi 800 người vì COVID-19. Hiện vẫn còn 31/50 bang của Mỹ đang có số ca nhiễm COVID-19 tăng với tổng số người bị xác định nhiễm tại Mỹ đã lên tới khoảng 7 triệu người. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết, tới cuối năm nay sẽ sản xuất ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và tuyên bố sẽ phổ cập vaccine tới toàn bộ người dân Mỹ trong đầu năm 2021.
 
Theo VTV.vn
 

.