Châu Á hiện đã vượt Bắc Mỹ trở thành khu vực có nhiều ca mắc COVID-19 nhất (9.935.973 ca) với 184.241 ca tử vong, trong khi Bắc Mỹ có 8.567.818 ca mắc và 303.981 ca tử vong.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo trang thống kê trên worldometers.info, tính đến 8h sáng 25/9, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 32.394.777 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 987.065 ca tử vong.
Hiện châu Á đã vượt Bắc Mỹ trở thành khu vực có nhiều ca mắc nhất (9.935.973 ca) với 184.241 ca tử vong, trong khi Bắc Mỹ có 8.567.818 ca mắc và 303.981 ca tử vong. Tiếp theo là khu vực Nam Mỹ có 7.752.403 ca mắc với 244.883 ca tử vong.
Tại châu Á, Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 5.816.103 ca mắc, trong đó có 92.317 ca tử vong. Tiếp theo là Iran với 436.319 ca mắc và 25.015 ca tử vong. Ở khu vực Đông Nam Á, Philippines có số ca mắc cao nhất với 296.755 ca trong khi Indonesia ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 10.105 ca, gấp đôi con số ở Philippines. Chính quyền thành phố thủ đô của Indonesia đã quyết định kéo dài các hạn chế xã hội quy mô lớn thêm 2 tuần nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Mỹ hiện vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới với 7.184.801 ca mắc và 207.515 ca tử vong. Tại Bắc Mỹ, Mexico có số ca mắc cao thứ hai với 710.049 ca. Các nước như Canada, CH Dominica, Panama hiện đều ghi nhận hơn 100.000 ca mắc. Trong khi đó, tại Nam Mỹ, sau Brazil với hơn 4,6 triệu ca mắc, các nước như Colombia, Peru, Argentina đều ghi nhận hơn 670.000 ca mắc.
Châu Âu đối diện "mùa đông COVID" khắc nghiệt
Tại châu Âu, ngày 24/9, Anh đã ghi nhận thêm 6.634 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch. Đây là dấu hiệu về làn sóng lây nhiễm thứ hai song cũng cho thấy mức độ xét nghiệm cao hơn nhiều so với trong làn sóng thứ nhất.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết chính phủ ước tính số ca nhiễm mới hằng ngày chưa tới 10.000 ca, thấp hơn nhiều so với mức 100.000 ca/ngày thời đỉnh dịch trong làn sóng thứ nhất. Liên quan đến số ca tử vong, ngày 24/9 ghi nhận 40 ca mới. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức 1.000 ca tử vong mỗi ngày trong làn sóng thứ nhất.
Cùng ngày 24/9, lệnh giới nghiêm tại các câu lạc bộ ban đêm đã bắt đầu có hiệu lực ở Anh và xứ Wales nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Đây là một trong số các biện pháp siết chặt mới được Thủ tướng Boris Johnson thông báo ngày 22/9, theo đó mọi cơ sở phục vụ đồ ăn và đồ uống phải đóng cửa trước 22h. Biện pháp này sẽ có hiệu lực ở Scotland từ ngày 25/9 trong khi Bắc Ireland đang cân nhắc thời điểm giới nghiêm. Các biện pháp mới nói trên được thực thi chỉ vài tuần sau khi Anh kết thúc cơ chế khuyến khích người dân dùng bữa ở nhà hàng bằng một chính sách hỗ trợ hóa đơn trong 1 tháng.
Tại Pháp, Bộ Y tế cũng thông báo số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao nhất, lên tới 16.096 ca ngày 24/9. Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi chính phủ thông báo các biện pháp hạn chế mới đối với các quán rượu, nhà hàng tại các thành phố lớn nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Hiệp hội các bệnh viện công ở thủ đô Paris thông báo các ca phẫu thuật không khẩn cấp sẽ phải lùi ngày do số ca mắc COVID-19 đang tăng cao.
Cùng ngày, Tây Ban Nha đã đưa ra cảnh báo giai đoạn khó khăn hơn đang ở phía trước, khi số ca nhiễm tại nước này đã vượt 700.000 ca. Vùng thủ đô Madrid hiện là "điểm nóng" dịch, chiếm 1/3 số ca phải nhập viện. Chính quyền Madrid đã áp đặt phong tỏa một phần tại nhiều quận có tỷ lệ lây nhiễm cao và dự kiến thông báo siết chặt các biện pháp phòng chống trong ngày 25/9.
Số ca nhiễm đã gia tăng kể từ khi kết thúc phong tỏa toàn quốc hồi cuối tháng 6, thêm 200.000 ca chỉ trong gần 1 tháng, hiện đã lên tới 704.209 ca, mức cao nhất ở khu vực Tây Âu. Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 13 ca, nâng tổng số lên 31.118 ca. Số ca tử vong hằng ngày hiện ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 5, song vẫn thấp hơn mức kỷ lục 900 ca/ngày hồi cuối tháng 3.
Bên cạnh đó, ngày 24/9, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến đáng lo ngại ở 7 nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Trong báo cáo đánh giá mới nhất, ECDC cho biết 7 nước này gồm Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Croatia, Hungary, CH Czech và Malta ghi nhận số ca nhập viện cũng như số ca mắc COVID-19 thể nặng gia tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong cao đã được ghi nhận do có nhiều bệnh nhân là người cao tuổi.
Châu Phi và châu Đại Dương là hai khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trên thế giới. Châu Phi ghi nhận tổng cộng 1.444.592 ca nhiễm và 34.758 ca tử vong. Tuy nhiên, là nơi tập trung những nước nghèo nhất thế giới, châu Phi gặp nhiều khó khăn hơn so với các nơi khác trong công tác phòng chống và ứng phó với các tác động của dịch. Ngày 24/9, nguyên thủ nhiều nước châu Phi đã kêu gọi Liên Hợp Quốc tăng cường đoàn kết quốc tế để đối mặt với đại dịch COVID-19, trong đó có việc hủy bỏ nợ công cho các quốc gia ở châu lục này và cung cấp hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tại Australia, bang Victoria, nơi từng là "điểm nóng" COVID-19, đang có kế hoạch dỡ bỏ một phần các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt sau khi chỉ ghi nhận 14 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tỷ lệ nhiễm trung bình 2 tuần qua tại thành phố Melbourne đã giảm xuống dưới 26, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 30-50 mà thành phố này đặt ra để nới lỏng các biện pháp phòng chống. Thủ hiến bang Daniel Andrews cho biết: "Chúng ta đang nằm trong (ngưỡng an toàn) để tiến hành các bước đi tiếp theo", song không cho biết thêm chi tiết về thời điểm cũng như các bước cụ thể. Ông Andrews dự định thông báo các bước đi này vào ngày 27/9 tới.
Theo BT/Chinhphu.vn