Canada từ bỏ FTA với Trung Quốc

07:09, 20/09/2020
.
Ngoại trưởng Francois-Philippe Champagne của Canada hôm 18-9 cho hay Canada đã bước ra khỏi các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc vốn được khởi động 4 năm trước. 
Quan hệ Canada - Trung Quốc hiện đang xấu đi. Trong ảnh: Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Ottawa, Canada ngày 22-9-2016 - Ảnh: Adrian Wyld/CP
Quan hệ Canada - Trung Quốc hiện đang xấu đi. Trong ảnh: Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Ottawa, Canada ngày 22-9-2016 - Ảnh: Adrian Wyld/CP
Trung Quốc của năm 2020 không còn là Trung Quốc của năm 2016.
 
Ngoại trưởng Canada FRANCOIS-PHILIPPE CHAMPAGNE
 
"Hiện tôi không thấy có những điều kiện để các cuộc thảo luận đó tiếp tục ở thời điểm này" - ông Champagne nói.
 
Sau bình minh
 
Trong khoảng 5 năm ông Justin Trudeau làm thủ tướng Canada, mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc đã chứng kiến những giây phút từ mặn nồng tới chua cay.
 
Tháng 9-2016, ông Trudeau đến thăm Trung Quốc và vài tuần sau Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm xứ sở lá phong để làm mới lại mối quan hệ đối tác trong hàng chục lĩnh vực bao gồm cả tiềm năng huấn luyện quân sự chung.
 
Đại sứ Trung Quốc tại Canada lúc bấy giờ, ông La Chiếu Huy, nói rằng Trung Quốc xem "bình minh của một kỷ nguyên Trudeau mới ở Canada là cơ hội mới" để tăng cường quan hệ giữa hai nước.
 
Tuy nhiên, quyết định hủy đàm phán như Ngoại trưởng Champagne thông tin đã đánh dấu sự thay đổi chính sách to lớn của Thủ tướng Justin Trudeau, người đã theo đuổi thỏa thuận từ khi lên lãnh đạo Canada.
 
Người ta cứ tưởng rằng Canada sẽ mau chóng trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 ký một thỏa thuận thương mại tự do với nền kinh tế thứ hai thế giới. Nhưng giờ đây mọi thứ dường như đã tan thành mây khói.
 
Ông Champagne cho biết thêm tất cả sáng kiến và chính sách đã được đưa ra vào năm 2016 với Trung Quốc "cần được xem lại". Nhà lãnh đạo ngoại giao Canada đã chỉ trích Trung Quốc vì "chính sách ngoại giao quyết liệt và cưỡng ép".
 
Việc Trung Quốc bắt 2 công dân Canada sau vụ "công chúa Huawei" Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Mỹ, hay việc Trung Quốc chặn nhập hạt cải dầu Canada, chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương và Hong Kong... thời gian qua đã khiến quan hệ giữa Canada - Trung Quốc thêm xấu đi.
 
Phương Tây bất mãn
 
Giới quan sát cho rằng ngày càng nhiều quốc gia phương Tây dường như đang bất mãn với cách hành xử của Trung Quốc trên nhiều mặt trận từ kinh tế tới quân sự.
 
Nhật báo The Sydney Morning Herald của Úc ngày 19-9 đăng một bài bình luận với tiêu đề: "Khoảng thời gian tốt đẹp với Trung Quốc đã kết thúc. Hãy quen với điều đó".
 
Bài viết dẫn lại một cuộc thăm dò của Viện Lowy cho thấy 77% người Úc cho rằng "nên hành động nhiều hơn để chống lại các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực, thậm chí khi điều đó ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế".
 
Ở một khía cạnh không hài lòng khác, trong khi Trung Quốc muốn thâm nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, nước này lại dựng lên một bức tường kinh tế lớn trong nước.
 
Tuần này, Phòng Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc nhắc lại câu chuyện vào năm 1793. 
 
Khi đó, hoàng đế Càn Long của Trung Quốc gửi cho Vua George III của Anh một bức thư ghi: "Thiên triều của chúng tôi có đầy đủ mọi thứ và không thiếu món gì bên trong biên giới. Do đó không cần đưa những hàng hóa sản xuất từ các dân tộc man di bên ngoài vào đây để trao đổi hàng hóa của chúng tôi".
 
Trong nhiều thập niên qua, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của châu Âu, Mỹ và Úc tự tin rằng Trung Quốc sẽ mở cửa nền kinh tế hơn nữa. 
 
"Nhưng không may, sự tin tưởng này đã bị thách thức trong vài năm qua. Ngày càng có nhiều tiếng nói đặt nghi vấn Trung Quốc có đang đi theo niềm tin của hoàng đế Càn Long hay không" - Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc đặt vấn đề.
 
Theo BẢO ANH/Tuổi Trẻ Online
 
 

.