Trung Quốc ồ ạt đưa quân tới biên giới, Ấn Độ điều siêu tăng T-90 ứng phó

09:07, 27/07/2020
.
Ấn Độ được cho đã triển khai một đội tăng T-90 tới khu vực tranh chấp chủ quyền ở biên giới với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh dường như đã điều tới khu vực này gần 50.000 quân.
Một xe tăng T-90 (Ảnh: Sputnik)
Một xe tăng T-90 (Ảnh: Sputnik)
Hindustan Times dẫn nguồn từ các chỉ huy quân sự Ấn Độ đưa tin, New Delhi dường như đã bắt đầu triển khai 12 siêu tăng T-90, xe thiết giáp và khoảng 4.000 quân nhân tới căn cứ Daulat Beg Oldi (DBO) ở khu vực biên giới với Trung Quốc. Động thái này được cho nhằm ngăn chặn nguy cơ lực lượng Trung Quốc có thể xâm nhập qua đèo Shaksgam-Karakoram ở Ladakh.
 
Hiện các cuộc đàm phán rút quân giữa 2 nước dường như chưa đạt được kết quả như mong muốn và quân đội Trung Quốc được cho đã đưa thêm gần 50.000 quân tới khu vực Aksai Chin.
 
Do hệ thống cầu ở tuyến Darbuk-Shyok-DBO không thể chịu được trọng lượng 46 tấn của siêu tăng T-90, Ấn Độ buộc phải triển khai thiết bị chuyên dụng để các khí tài trên có thể vượt sông và suối. Ngoài ra, Ấn Độ cũng triển khai thêm xe chiến đấu bộ binh, pháo M-777 155mm do Mỹ sản xuất, pháo 130 mm tại nhiều địa điểm ở khu vực đông Ladakh, bao gồm DBO, Galwan, và Pangong Tso.
 
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy lượng lớn binh sĩ Trung Quốc dường như đang tập trung ở khu tự trị Tây Tạng và một số đường hầm có thể được sử dụng để giấu thiết bị, theo trang tin The Print. Theo giới quan sát, đợt triển khai quân số và khí tài này cho thấy Trung Quốc có thể đang sẵn sàng chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt và kéo dài ở địa hình nơi tranh chấp chủ quyền với Ấn Độ.
 
Ảnh vệ tinh ngày 21/7 do tài khoản Twitter detresfa đăng tải cho thấy quân đội Trung Quốc điều động thêm lực lượng ở Sư Tuyền Hà, Tây Tạng. Trung Quốc dường như đã đưa thêm 5.000 quân và thiết bị tới đây. Các bãi đáp trực thăng xuất hiện và các công trình mới cũng được tiến hành xây dựng.
 
Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng ở khu vực tranh chấp chủ quyền từ tháng 4, song vụ việc ngày 15/6 khi lực lượng hai bên đụng độ gây chết người đã khiến tình hình leo thang. Hai nước sau đó đã tổ chức nhiều lần tổ chức đàm phán về quân sự và ngoại giao để xuống thang căng thẳng.
 
Tuy nhiên, nguồn tin quân sự Ấn Độ nói rằng Bắc Kinh dường như chưa rút quân khỏi khu vực ​Pangong Tso hay thung lũng Depsang. Hai nước tới lúc này chưa đạt được đồng thuận về việc rút quân, theo Sputnik.
 
Theo Đức Hoàng/Dân Trí

.