Số người mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt mốc 15 triệu ca

08:07, 22/07/2020
.
Tính đến sáng 22/7, thế giới đã ghi nhận tổng cộng trên 15 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 617.000 đã tử vong vì đại dịch này.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh COVID-19 với trên 4 triệu ca nhiễm và hơn 144.800 người tử vong. Số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong 24 giờ qua tại quốc gia này là trên 58.000 bệnh nhân. 
Số người nhiễm COVID-19 tại Mỹ đã lên tới hơn 4 triệu người. (Ảnh: AP)
Số người nhiễm COVID-19 tại Mỹ đã lên tới hơn 4 triệu người. (Ảnh: AP)
Nhằm ngăn chặn dịch lây lan, chính quyền thành phố Chicago đã ra lệnh cấm các quán bar phục vụ trong nhà, đồng thời đóng cửa những dịch vụ đặc thù bắt buộc khách hàng phải tháo khẩu trang như cạo râu, chăm sóc da mặt... Trong khi đó, tình hình dịch ở bang California, bang đông dân nhất nước Mỹ, đang có chiều hướng ổn định trở lại. Số ca bệnh, nhập viện và điều trị tích cực ở bang này vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm hơn so với những tuần gần đây. Bang New York, từng là tâm dịch của Mỹ, cũng ghi nhận số ca nhập viện do COVID-19 ở mức thấp nhất trong 4 tháng qua, cho phép thành phố New York bước vào giai đoạn mở cửa tiếp theo.
 
Brazil vẫn là điểm nóng thứ hai của dịch COVID-19. Số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã vượt ngưỡng 81.000 người, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Ngày 21/7, Brazil đã ghi nhận thêm hơn 38.000 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này lên trên 2,1 triệu người trong tổng dân số 212 triệu dân. 
 
Tại tâm dịch lớn thứ ba thế giới Ấn Độ, tổng số ca mắc COVID-19 lên tới gần 1,2 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 39.000 ca mắc mới và số người tử vong vì virus SARS-CoV-2 là hơn 28.700 bệnh nhân.
 
Argentina đã bắt đầu mở lại các hoạt động kinh tế ở vùng thủ đô Buenos Aires, nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 mặc dù tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao.
 
Tại châu Âu, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng gấp 3 lần kể từ khi nới lỏng phong tỏa được 3 tuần nay. Nhà chức trách đang nỗ lực kiềm chế tốc độ lây lan ở các ổ dịch mới, chủ yếu tại vùng Catalonia và Aragon. Theo số liệu thống kê của ngành khách sạn và ăn uống, có khoảng 40.000 nhà hàng, khách sạn và quán rượu tại Tây Ban Nha, chiếm tỷ lệ 13%, phải đóng cửa vĩnh viễn do đại dịch COVID-19, khiến nhiều người lao động mất việc làm hoặc phải làm việc tại nhà.
 
Tại châu Á, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) ngày 21/7 cho biết, các hành khách dự định đáp chuyến bay đến Trung Quốc đại lục phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay. Theo CAAC, các xét nghiệm axit nucleic phải được hoàn tất trong 5 ngày trước khi hành khách lên máy bay.
 
Trong khi đó, số ca nhiễm đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại ở Hàn Quốc. Ngày 21/7, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết có thêm 45 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này lên hơn 13.800 ca. Như vậy, số ca nhiễm mới theo ngày đã tăng gần gấp đôi so với 26 ca ghi nhận của một ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên dịch bệnh tại Hàn Quốc có dấu hiệu nóng trở lại sau 28 ngày số ca nhiễm được ghi nhận ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng lao động nước ngoài nhập cảnh từ Iraq tăng nhanh và một loạt ổ dịch trên các tàu hàng của Nga đang neo đậu ở thành phố cảng Busan (miền Nam Hàn Quốc). Số trường hợp tử vong tại Hàn Quốc vẫn ở mức 296 người.
 
Cũng trong ngày 21/7, Myanmar đã mở cửa trở lại hơn một nửa số trường trung học của nước này sau gần 2 tháng phải đóng cửa do dịch bệnh.
 
Bộ Y tế Philippines cho biết, nước này đã ghi nhận thêm gần 2.000 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong trong ngày qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là hơn 70.700 bệnh nhân và trên 1.800 người. Tổng thống Rodrigo Duterte đã cảnh báo bắt giữ bất kỳ ai không đeo khẩu trang hoặc vi phạm quy định về giãn cách xã hội.
 
Trong khi đó, Indonesia ghi nhận thêm hơn 1.600 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này lên gần 90.000 người. Số bệnh nhân tử vong cũng tăng thêm 81 người, lên hơn 4.300 trường hợp.
 
Nhà chức trách Malaysia thông báo, từ ngày 24/7, nước này sẽ tái áp dụng quy định cách ly bắt buộc tại các trung tâm của chính phủ đối với những người trở về từ nước ngoài. Những người thực hiện cách ly bắt buộc sẽ phải tự chi trả chi phí lưu trú, bất kể là ở khách sạn hay trung tâm cách ly. Theo Bộ Y tế Malaysia, trong ngày 21/7, nước này đã ghi nhận thêm 15 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm tại đây lên hơn 8.800 bệnh nhân. Số trường hợp tử vong vẫn duy trì ở mức 123 người.
 
Ngày 21/7, Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã huy động gói hỗ trợ “Nhóm châu Âu” trị giá hơn 800 triệu Euro (920 triệu USD) nhằm hỗ trợ các nước ASEAN chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
 
Tại Iran, nhà chức trách đã ghi nhận thêm 229 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên hơn 14.600 người. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất được ghi nhận sau nhiều tuần quốc gia Trung Đông này phải đối mặt với số ca mắc tăng vọt. Trong 24 giờ qua, Iran đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên gần 279.000 người.
 
Ngày 22/7, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 96 không phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Đến lúc này, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở nước ta là 396 người. 360 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.
 
Theo Quỳnh Chi/VTV.vn 

.