Khám phá Bắc cực giờ không còn là những chương trình khoa học thuần túy, mà đã trở thành một vấn đề kinh tế, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều nước lớn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mỹ muốn tăng cường vị thế tại Bắc cực
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua đã có chuyến thăm chớp nhoáng tới Đan Mạch. Trong nhiều vấn đề hợp tác được thảo luận giữa hai bên, ông Pompeo một lần nữa nhấn mạnh dự định tăng cường vị thế của Washington tại Bắc cực.
Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đan Mạch, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định: Mỹ sẽ thể hiện vai trò tích cực hơn ở Bắc cực, phù hợp với ảnh hưởng ngày càng lớn tại đây của một số nước khác. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của độc lập năng lượng.
Ý định của Tổng thống Mỹ muốn mua đảo Greenland thuộc Đan Mạch không được đề cập trong các cuộc thảo luận của ông Pompeo với lãnh đạo nước chủ nhà. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ hoan nghênh quyết định mở lại Lãnh sự quán Mỹ tại Greenland sau hơn 60 năm vắng bóng. Đề nghị của Mỹ về gói hỗ trợ phát triển kinh tế hơn 12 triệu USD cho Greenland cũng được nhắc tới.
Bắc cực - vùng đất băng giá, nhưng cũng được xem là vùng đất hứa
Mỹ không phải là nước duy nhất nhắm đến Bắc cực trong chiến lược phát triển của mình. Cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng cũng mới bắt đầu không lâu. Nhưng trước khi xem cuộc đua này đã đến đâu thì cũng cần phải xem Bắc cực có gì hấp dẫn đến vậy.
Ẩn chứa dưới lớp băng dày ở Bắc cực là nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào chưa được khám phá. Bắc cực tuy là khu vực có khí hậu vô cùng khắc nghiệt nhưng lại chiếm tới gần 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên và 13% trữ lượng dầu mỏ mà thế giới chưa khai thác.
Cùng với dầu mỏ và khí đốt, Bắc cực cũng rất giàu khoáng sản, đặc biệt là kim loại hiếm - nguồn nguyên liệu chính để chế tạo linh kiện điện tử và các hệ thống điều khiển vũ khí. Trữ lượng khai thác cá cũng là một nguồn tài nguyên hết sức dồi dào ở Bắc cực và được đánh giá sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước hé lộ.
Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ Trái Đất tăng nhanh, những khối băng khổng lồ ở Bắc cực bắt đầu tan, khiến các quốc gia trên thế giới hy vọng về việc hình thành những tuyến hàng hải mới.
Theo dự đoán năm 2030, nếu tuyến giao thông Biển Bắc được thông thương khoảng 9 tháng/năm, sẽ giúp cắt ngắn thời gian di chuyển giữa châu Âu và Đông Á khoảng 60% so với tuyến đường hiện tại qua các kênh đào Panama hay Suez.
Nga đi đầu cuộc đua giành "miếng bánh" ở Bắc cực
Có thể ví Bắc cực giống như một chiếc bánh, càng ngon thì càng lắm đối thủ tranh giành. Nga được cho là đang đi đầu trong cuộc đua giành miếng bánh ở Bắc cực. Với lợi thế về địa lý, Nga đã đầu tư hàng tỷ USD cho tham vọng tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực này bằng cách mở con đường hàng hải mới nối châu Á và châu Âu thông qua tuyến đường phương bắc, khai thác tài nguyên dầu mỏ, cũng như xây dựng các căn cứ quân sự mới, tân trang lại các sân bay và cơ sở hạ tầng cũ dọc bờ biển phía Bắc. Đến nay, Nga đã thiết lập 6 căn cứ quân sự, 16 cảng nước sâu và 13 sân bay ở Bắc cực.
Binh sĩ Nga trên đảo Kotelny với hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 ở phía sau. Nga đang gia tăng sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực. (Ảnh: AP) |
Đồng thời Moscow cũng tăng cường hạm đội tàu phá băng thông qua việc đóng thêm 3 tàu phá băng chạy bằng năng lượng nguyên tử. Đây được xem là một trong những phương tiện chiến lược phục vụ nỗ lực tăng cường hiện diện ở Bắc cực do khả năng phá băng mạnh mẽ, hoạt động dài ngày và có thể sản xuất nước ngọt tại chỗ.
Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn đẩy mạnh chiến lược phát triển vùng Bắc cực dựa trên 3 cơ sở: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng biển và phát triển thềm lục địa bằng công nghệ. Thậm chí nước này còn thành lập cả Bộ phát triển Viễn Đông và Bắc cực.
Bắc Kinh tăng cường hoạt động trong khu vực này
Trung Quốc mặc dù không phải là một quốc gia vùng Bắc cực, nhưng Bắc Kinh đang ngày càng tăng cường hoạt động trong khu vực này. Nước này đã từng công bố Sách Trắng mang tên "Chính sách bắc cực của Trung Quốc". Trong đó, Trung Quốc tự nhận mình là quốc gia gần Bắc cực và công bố chiến lược xây dựng "con đường tơ lụa Bắc cực" với tham vọng mở tuyến hàng hải xuyên qua vùng rìa phía Bắc của Canada sang châu Âu. Ngoài tăng cường đầu tư các ngành công nghiệp ở Iceland, Greenland và Nga, Bắc Kinh cũng đẩy mạnh vai trò trong các hoạt động nghiên cứu ở Bắc Cực.
Trước việc Nga, Trung Quốc ngày càng tích cực mở rộng hoạt động ở vùng đất trắng, Mỹ cũng không muốn chậm chân trong cuộc đua này.
Tổng thống Donald Trump đã công bố chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ tại Bắc cực và Nam cực, trong đó ra lệnh xây dựng một đội tàu phá băng và các căn cứ để phục vụ lợi ích của Mỹ.
Không chỉ có các cường quốc, các nước cận Bắc cực như Canada, Đan Mạch, Na Uy, Anh... cũng đều tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực nhằm giành chủ quyền tại vùng đất giàu tài nguyên này.
Theo VTV.vn