Châu Âu đã thỏa hiệp được gói tiền lớn cho hồi phục kinh tế

02:07, 21/07/2020
.
Châu Âu đã thỏa hiệp được các điều kiện cho quỹ phục hồi kinh tế và ngân sách lớn chưa từng thấy lên đến gần 2.000 tỉ euro sau những ngày đàm phán đầy căng thẳng.
Lần đầu tiên sau 5 tháng, các lãnh đạo của EU đã gặp mặt trực tiếp tại Brussels (Bỉ) - Ảnh: REUTERS
Lần đầu tiên sau 5 tháng, các lãnh đạo của EU đã gặp mặt trực tiếp tại Brussels (Bỉ) - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, một quan chức khác của châu Âu tham dự cuộc họp thượng đỉnh bắt đầu từ ngày 17-7 cũng đã viết rõ hơn chút: "Các kết luận đã được chuẩn thuận".
 
Khi đụng đến tiền bạc lớn thì không hề dễ dàng dù tình hình hiện tại đầy cấp bách cho các nước trong việc giữ vững nền kinh tế và tính đến hướng hồi phục nhanh chóng.
 
"Đậy là một cuộc họp thượng đỉnh dài và đầy thách thức nhưng kết quả đạt được cho thấy cũng đáng để thương lượng", Thủ tướng Micheal Martin của Ireland nói về cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ), kéo dài gần 5 ngày đêm, gần với kỷ lục của cuộc họp tại Nice (Pháp) hồi năm 2000.
 
Cuộc họp đầy khó khăn bởi liên quan đề xuất ngân sách lớn chưa từng thấy lên tới hơn 1.000 tỉ euro (gần 1.200 tỉ USD) cho 7 năm tới và quỹ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, trị giá 750 tỉ euro (826 tỷ USD).
 
Là một trong hai lãnh đạo (cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel) cố gắng dẫn dắt các cuộc đàm phán đi đến đích, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã hoan hỉ viết Tweet: "Ngày lịch sử của châu Âu".
 
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận đã có những thời điểm căng thẳng cao độ, nhưng cuối cùng mọi chuyện đã tiến triển theo chiều hướng tích cực.
 
Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh rằng trong tình huống đặc biệt đòi hỏi các bên có những nỗ lực đặc biệt để đạt đồng thuận.
 
Để đối phó với đợt suy thoái lớn nhất trong lịch sử, các quan chức cho biết EU đã nhất trí về gói phục hồi 750 tỉ euro, nhằm trao các khoản vay và hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, theo đó mức hỗ trợ đã được giảm từ 500 tỉ euro xuống còn 390 tỉ trong tổng số 750 tỉ.
 
Trước đó, đề xuất liên quan tới gói phục hồi 750 tỉ euro vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch.
 
Theo quan điểm của các nước này, kế hoạch trên được coi là có lợi nhất cho Ý và Tây Ban Nha - hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch, nhưng luôn bị đánh giá là những nước có kỷ luật ngân sách lỏng lẻo nhất.
 
Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết nhóm "thắt lưng buộc bụng" (gọi là nhóm "Frugals") gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan hiện chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỉ euro, thậm chí là có điều kiện đi kèm.
 
Trong buổi sáng 20-7, nhằm phá vỡ thế bế tắc để tránh cuộc đàm phán marathon này bị đổ vỡ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là "con đường hướng tới một thỏa thuận".
 
Theo đó, ông đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỉ USD đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm "Frugals". Cuối cùng, đề xuất mới này đã nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên để trình lên Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.
 
Gói ngân sách dài hạn (hơn 1.000 tỉ euro) có vẻ dễ dàng hơn trong việc tập hợp tiếng nói chung của các nước EU.
 
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 135.000 công dân châu Âu và nhấn chìm nền kinh tế châu lục vào một cuộc suy thoái với dự báo tăng trưởng âm 8,3% trong năm nay.
 
Cuối tháng 5 vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Đức và Pháp, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một gói kích cầu "khổng lồ" lên tới 750 tỉ euro, trong đó 500 tỉ euro (551 tỉ USD) theo hình thức tài trợ và 250 tỉ euro (275 tỉ USD) theo hình thức cho vay dựa trên điều kiện mà các quốc gia có thể áp dụng, với mục đích giúp "lục địa già" hồi phục từ cuộc suy thoái chưa từng thấy do COVID-19 gây ra.
 
Để hưởng lợi từ chương trình, các nước sẽ phải xây dựng một kế hoạch đầu tư và cải cách phù hợp với những ưu tiên chính trị của EC, cụ thể là "thỏa thuận xanh".
 
Theo Ý NGUYÊN/Tuổi Trẻ Online
 
 

.