Trung - Ấn rầm rộ đưa quân đến biên giới "so găng" lực lượng

09:06, 27/06/2020
.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng cường hiện diện quân sự gần khu vực biên giới tranh chấp sau vụ đụng độ khiến ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng tuần trước. 
Ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy căn cứ của quân đội Trung Quốc tại thung lũng Galwan. (Ảnh: Reuters)
Ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy căn cứ của quân đội Trung Quốc tại thung lũng Galwan. (Ảnh: Reuters)
Trích dẫn các bức ảnh vệ tinh của công ty công nghệ không gian Maxar, hãng tin Reuters ngày 25/6 đưa tin Trung Quốc dường như đã xây dựng các cấu trúc mới gần nơi xảy ra vụ đụng độ với Ấn Độ tại biên giới tranh chấp của hai nước ở dãy Himalaya.
 
Những bức ảnh chụp hôm 22/6 cho thấy các boong-ke, lều và cơ sở lưu trữ khí tài quân sự được dựng lên tại khu vực mà một tháng trước đó hoàn toàn vắng vẻ.
 
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng tăng cường các cuộc tập trận cho lực lượng biên phòng và đã tiến hành ít nhất 3 cuộc tập trận trong 2 tuần qua ở Tây Tạng, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
 
Cuộc tập trận gần đây nhất được kênh truyền hình của PLA đưa tin hôm 24/6, trong đó lính bộ binh tại Tây Tạng tổ chức một chiến dịch để kiểm tra năng lực hậu cần và kỹ thuật của một đơn vị ở tiền tuyến.
 
Kênh của PLA cũng đưa tin về một cuộc tập trận bắn đạn thật hôm 22/6, trong đó các xe tăng chiến đấu, máy phóng tên lửa và xe bảo trì được huy động để kiểm tra năng lực của đơn vị quân sự trong việc ứng phó với một cuộc tấn công.
 
Liu Jian, một chỉ huy tham gia tập trận, cho biết mục tiêu của hoạt động này nhằm kiểm tra khả năng của các khẩu pháo trong việc tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 1.800 mét trong thời gian 8 giây, trong khi xe tăng vẫn đang di chuyển.
 
Một cuộc tập trận bắn đạn thật khác với sự tham gia của các binh sĩ, trực thăng và máy bay không người lái cũng được tiến hành ở phía nam Tây Tạng. 
Xe quân sự Ấn Độ trên đường cao tốc tới vùng Ladakh ngày 18/6. (Ảnh: Reuters)
Xe quân sự Ấn Độ trên đường cao tốc tới vùng Ladakh ngày 18/6. (Ảnh: Reuters)
Trong khi các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc được thực hiện cách xa khu vực tranh chấp, quân đội Ấn Độ chọn nơi gần khu vực tranh chấp để tiến hành tập trận.
 
Ấn Độ đã triển khai xe tăng chiến đấu T-90 Bhishma tới vùng Ladakh, gần thung lũng Galwan - nơi xảy ra vụ xung đột đẫm máu với Trung Quốc gần đây. Trong khi đó, Không quân Ấn Độ được cho là vẫn thực hiện việc tuần tra từ trên cao tại khu vực tranh chấp.
 
AFP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 25/6 cho biết nước này đã triển khai số lượng lớn binh sĩ bằng Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya sau vụ đụng độ. Mặc dù thông báo không nêu con số cụ thể, song các nguồn tin địa phương xác nhận Ấn Độ đã triển khai hơn 36.000 binh sĩ dọc theo biên giới tranh chấp.
 
Theo các nguồn tin trên, Ấn Độ đã triển khai 3 sư đoàn tới biên giới với Trung Quốc. Ngoài ra, các xe tăng chủ lực và lựu pháo cũng được điều đến khu vực này.
 
Ấn Độ và Trung Quốc cho đến nay vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về vụ đụng độ tại biên giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết “hai bên vẫn triển khai lượng lớn binh sĩ trong khu vực, trong khi các cuộc tiếp xúc quân sự và ngoại giao vẫn tiếp tục”.
 
Theo Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao chuyên về an ninh Trung Quốc tại Viện chính sách Chiến lược Australia ở Canberra, mặc dù các hoạt động của PLA được tiến hành sâu trong lãnh thổ Trung Quốc, nhưng năng lực quân sự của Bắc Kinh cho phép nước này ứng phó nhanh chóng từ các căn cứ quân sự ở Tây Tạng.
 
Ông Davis nhận định mặc dù cả quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đều tìm cách tăng cường lực lượng và khả năng tác chiến, song xung đột quân sự quy mô lớn khó có khả năng xảy ra.
 
“Tôi nghĩ cả hai bên đều đang tìm cách tránh leo thang nhanh chóng, do vậy bất kỳ chiến dịch quân sự nào cũng bị hạn chế cả về quy mô và cường độ. Cả hai nước đều có vũ khí hạt nhân, và điều này đã kiềm chế họ đẩy cuộc khủng hoảng đi xa hơn. Nếu có xung đột, đó sẽ chỉ là những cuộc chiến ngắn hạn, mạnh mẽ, bị giới hạn cả về quy mô địa lý và mức độ bạo lực được triển khai”, SCMP dẫn lời chuyên gia Davis nhận định.
 
Ben Ho, nhà nghiên cứu về chương trình nghiên cứu quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết nếu Ấn Độ triển khai phương án quân sự, đó sẽ là một chiến dịch quy mô nhỏ và được tính toán cẩn trọng để không làm leo thang căng thẳng. Trung Quốc có thể cũng sẽ phản ứng tương xứng.
 
“Mối lo ngại chiến lược chính của Bắc Kinh là cạnh tranh với Mỹ tại tây Thái Bình Dương trong dài hạn, do vậy họ sẽ làm hết sức để hạn chế tới mức thấp nhất bất kỳ điều gì làm chệch hướng mối quan tâm cũng như nguồn lực của họ khỏi mục tiêu đó”, ông Ho cho biết thêm.
 
Theo Zhou Chenning, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, Trung Quốc có các vũ khí linh động hơn và hỗ trợ hậu cần tốt hơn nhiều so với Ấn Độ. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn không muốn mất kiểm soát tình hình.
 
“Nếu căng thẳng leo thang, nó có thể nhanh chóng bị mất kiểm soát và không bên nào có thể hưởng lợi từ sự hỗn loạn hủy diệt đó”, Zhou nói.
 
Sau khi Trung Quốc và Ấn Độ xung đột tại thung lũng Galwan khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/6, các chỉ huy quân sự cấp cao của hai nước đã gặp nhau trong 11 giờ đồng hồ và đồng ý “giải quyết hòa bình tình hình tại biên giới, phù hợp với các thỏa thuận song phương”.
 
Theo Thành Đạt/Dân Trí

.