Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã vượt 2 triệu người, trong khi các chuyên gia y tế cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại nước này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo thống kê của Reuters, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã vượt mốc 2 triệu người vào ngày 10/6, trong khi số ca tử vong cũng tăng lên 115.126 người. Cho đến nay, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới, bỏ xa Brazil - nước ở vị trí số 2 với 39.797 ca tử vong và hơn 775.000 ca nhiễm.
Bệnh nhân được chuyển tới phòng cấp cứu tại bệnh viện ở bang Arizona, Mỹ. (Ảnh: AFP) |
Trên toàn nước Mỹ, số ca nhiễm mới có xu hướng tăng nhẹ sau 5 tuần sụt giảm. Một phần nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng này là do có thêm nhiều xét nghiệm được tiến hành. Số ca xét nghiệm tăng cao kỷ lục vào ngày 5/6 khi có tới 545.690 trường hợp được xét nghiệm trong 1 ngày.
Sự gia tăng về số ca mắc Covid-19 tại Mỹ gần đây cũng là hệ quả của việc người dân đi lại nhiều hơn, một số hoạt động kinh doanh được nối lại và các hoạt động vui chơi giải trí trên 50 bang dần mở cửa trở lại. Các bang đã nới lỏng các biện pháp hạn chế được thiết lập từ hồi tháng 3, trong khi vẫn chưa có vắc xin để điều trị Covid-19.
Ngoài ra, các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra trên toàn nước Mỹ từ ngày 25/5, sau cái chết của công dân da màu George Floyd ở Minneapolis, cũng khiến số ca nhiễm tăng vọt trong những tuần gần đây. Nhiều người biểu tình không đeo khẩu trang, trong khi quy định về giãn cách xã hội gần như bị phớt lờ.
Giới chức y tế Mỹ tin rằng ca nhiễm đầu tiên tại nước này xuất hiện từ tháng 1 và Mỹ đã ghi nhận 1 triệu ca nhiễm vào ngày 28/4. Tính đến tháng 6, trung bình mỗi ngày Mỹ ghi nhận 21.000 ca nhiễm mới, ít hơn so với 30.000 ca/ngày hồi tháng 4 và 23.000 ca/ngày hồi tháng 5.
Ngày 12/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các chính phủ nên đảm bảo rằng trước khi quyết định mở cửa trở lại, tỷ lệ số người xét nghiệm dương tính với Covid-19 chỉ nên ở mức 5% hoặc thấp hơn trong ít nhất 14 ngày.
Tỷ lệ số ca xét nghiệm dương tính tại Mỹ hiện vẫn dao động từ 4% đến 7% trên cả nước. Một số bang thậm chí còn ghi nhận tỷ lệ cao hơn mức khuyến cáo của WHO như Maryland 8%, Utah 9%, Nebraska 9%, Virginia 9%, Massachusetts 11% và Arizona 12%.
Eric Toner, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cảnh báo “làn sóng lây nhiễm mới đang xuất hiện tại nhiều khu vực” ở Mỹ. Theo các chuyên gia, có bằng chứng cho thấy làn sóng lây nhiễm thứ hai đang hình thành tại Arizona, Texas, Florida và California.
Trong tuần này, Sở Y tế Arizona đã gửi thư đề nghị các bệnh viện kích hoạt phương án khẩn cấp khẩn cấp và chuẩn bị số giường bệnh cần thiết để ứng phó dịch bệnh.
Arizona là một trong 19 bang tại Mỹ đang chứng kiến xu hướng gia tăng số ca nhiễm mới. Vào thời kỳ đỉnh điểm, 78% số giường dành cho bệnh nhân điều trị đặc biệt tại Arizona được sử dụng. Tính đến ngày 8/6, tỷ lệ này là 76%.
“Chúng tôi biết Covid-19 vẫn đang ở trong cộng đồng của chúng tôi và chúng tôi dự đoán số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng lên”, Sở Y tế Arizona đăng thông báo trên Twitter hôm 9/6.
Số người nhập viện để điều trị Covid-19 tại Mỹ từ cuối tháng 5 đã tăng lên tại ít nhất 12 bang gồm Alaska, Arkansas, Arizona, California, Kentucky, Mississippi, Montana, North Carolina, Oregon, South Carolina, Texas và Utah. North Carolina thậm chí phá vỡ kỷ lục về số ca nhập viện, lên tới 774 người.
Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ và là thành viên cấp cao trong ban chỉ đạo ứng phó Covid-19 của chính phủ Mỹ, ngày 9/6 cảnh báo dịch Covid-19 đã “tàn phá cả thế giới”, nhưng còn lâu mới kết thúc dù nhiều nước đã nới lỏng phong tỏa.
Theo Thành Đạt/Dân Trí