Tìm bước chuyển đột phá cho quan hệ liên Triều thời đại dịch

10:05, 05/05/2020
.
Khả năng hợp tác trong chống dịch COVID-19 hay một thỏa thuận hợp tác kinh tế được xem như cơ hội để nối lại các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc với Triều Tiên. 
Liệu có hy vọng từ hợp tác ứng phó COVID-19? 
 
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhiều lần bày tỏ hy vọng hợp tác liên Triều có thể được hồi sinh nhờ đại dịch kể từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 1 năm nay. Lần gần đây nhất, ông đề cập tới vấn đề này trong phát biểu ngày 27.4 nhân kỷ niệm 2 năm Tuyên bố Bàn Môn Điếm.  
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ở làng biên giới Bàn Môn Điếm ngày 27.4.2018. Ảnh: AFP
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ở làng biên giới Bàn Môn Điếm ngày 27.4.2018. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, Korea Times lưu ý, với việc Triều Tiên tuyên bố chính thức rằng không có ca COVID-19 nào, đang gia tăng những suy đoán liệu Tổng thống Hàn Quốc có thể tạo ra bước đột phá mong muốn trong quan hệ xuyên biên giới thông qua hợp tác ứng phó đại dịch hay không.
 
Theo đó, một số chuyên gia đã hoài nghi về ý tưởng của Tổng thống Moon Jae-in. Các chuyên gia lưu ý rằng, tình hình dịch COVID-19 ở Triều Tiên không nghiêm trọng như cộng đồng quốc tế nhận định. “Và trong trạng thái đó, Triều Tiên có khả năng sẽ lạnh nhạt với những động thái hợp tác của Hàn Quốc” - An Chan-il - nhà nghiên cứu, bình luận về Bình Nhưỡng - chia sẻ.
 
Ông Park Won-gon - Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Handong Global ở Pohang, Hàn Quốc - chỉ ra, Bình Nhưỡng dường như không quá hấp tấp trong tiếp nhận hàng cứu trợ từ các tổ chức quốc tế và lượng hàng được chuyển giao “cũng không nhiều”. “Điều này dẫn đến suy đoán rằng Triều Tiên đang ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 khá tốt. Và nếu điều này là đúng, không có lý do gì để Bình Nhưỡng đáp lại lời đề nghị hợp tác ứng phó đại dịch của Seoul” - ông nói. 
 
Yang Moo-jin - Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên nhận định, cho dù Triều Tiên có bị ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu thì “không có nghĩa là Triều Tiên sẽ thay đổi lập trường đột ngột và trở nên thân thiện với Hàn Quốc. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mà Triều Tiên sẽ yêu cầu giúp đỡ” - Giáo sư Yang Moo-jin nói thêm.
 
Để tận dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 và tạo cơ hội mới cho mối quan hệ liên Triều, các nhà phân tích đề xuất tiến hành tiếp xúc ở cấp độ công dân, chứ không phải cấp độ chính phủ, Korea Times cho hay.
 
Dù Triều Tiên đang chịu hàng loạt các biện pháp trừng phạt mạnh về chương trình hạt nhân và tên lửa nhưng Liên Hợp Quốc chấp thuận miễn trừ trừng phạt đối với nước này vì lý do nhân đạo nhằm giúp ngăn chặn sự lây lan virus - theo Korea Times. Một quan chức cấp cao của Nhà Xanh từng đề cập tới phê chuẩn của Liên Hợp Quốc và xác nhận hợp tác chống COVID-19 với Triều Tiên do vậy không chịu ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt.
 
Đề xuất ký Thỏa thuận thương mại tự do liên Triều
 
Theo Yonhap, Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc (KIEP) đề xuất hôm 4.5 rằng, Hàn Quốc nên ký một thỏa thuận thương mại tự do với Triều Tiên để đẩy nhanh cải cách ở Triều Tiên và giúp nước này hội nhập vào thị trường quốc tế. Viện Chính sách kinh tế quốc tế do nhà nước Hàn Quốc điều hành cho rằng, thỏa thuận như vậy sẽ tạo ra môi trường cho hợp tác kinh tế xuyên biên giới ổn định trong bối cảnh có các lệnh trừng phạt quốc tế đang áp dụng với Bình Nhưỡng.
 
“Hợp tác kinh tế liên Triều mới nên nhắm tới hỗ trợ Triều Tiên bình thường hóa quan hệ đối ngoại và tham gia vào trường quốc tế” - báo cáo nhấn mạnh. Theo KIEP, việc có một Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện (CEPA - tương đương với một thỏa thuận thương mại tự do FTA) liên Triều để tạo ra một môi trường hợp tác kinh tế liên Triều ổn định là cần thiết. 
 
KIEP cũng lưu ý rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cho thấy một số tiến bộ trong chính sách cải cách và mở cửa mà ông đưa ra kể từ khi lên nắm quyền, điển hình như tích hợp các chợ vào nền kinh tế của đất nước. Dù vậy, kinh tế Triều Tiên đối mặt với những thách thức kể từ khi hàng loạt các biện pháp trừng phạt mạnh được áp đặt năm 2016. 
 
KIEP nhấn mạnh, bình thường hóa quan hệ với bên ngoài là điều cần thiết trước nhất với Triều Tiên và nền kinh tế Triều Tiên khó có thể đạt được cải cách, mở cửa nếu không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và bình thường hóa quan hệ đối ngoại. 
 
Cơ quan này cũng kêu gọi Hàn Quốc giúp tạo ra điều kiện và cải thiện điều kiện cho người nước ngoài tham gia hợp tác kinh tế liên Triều cũng như đóng vai trò hàng đầu trong các hội nghị tài trợ cho các tổ chức quốc tế về hỗ trợ cho Triều Tiên.
 
Hôm 4.5, theo tờ Rodong Sinmun, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ lòng biết ơn với đội ngũ tuyên truyền viên nhà nước vài ngày sau khi xuất hiện trở lại, xua tan những đồn đoán liên quan tới sức khỏe. Đáng chú ý, trang nhất cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên ngợi ca việc công trình xây dựng nhà máy phân bón Sunchon mà ông Kim Jong-un dự lễ khánh thành hồi tuần trước.
 
Theo Thanh Hà/LĐO
 

.