Số ca mắc gần 5 triệu, WHO tái khẳng định vai trò dẫn dắt cuộc chiến chống Covid-19

10:05, 20/05/2020
.
Tại phiên họp thường niên cấp bộ trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) diễn ra trực tuyến ngày 19-5, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tổ chức đa phương này sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19 - đại dịch “đe dọa phá vỡ khuôn khổ hợp tác quốc tế”.
 
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảm ơn các nước thành viên của WHO đã ủng hộ và đoàn kết với tổ chức toàn cầu này; đồng thời hoan nghênh nghị quyết của Liên minh châu Âu (EU) vừa được 194 nước thành viên WHO thông qua, trong đó kêu gọi đánh giá độc lập về biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, bao gồm cả cuộc điều tra về các hành động của WHO liên quan đến đại dịch. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh, tổ chức này sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo chiến lược nhằm phối hợp các biện pháp đối phó toàn cầu với đại dịch.
 
Tính tới 6h ngày 20-5, thế giới đã ghi nhận 4.979.769 ca nhiễm Covid-19, trong đó 324.411 người đã tử vong, 1.957.451 người đã hồi phục. Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) David Malpass cảnh báo, Covid-19 sẽ đẩy khoảng 60 triệu người trên toàn cầu vào cảnh đói nghèo. Ông Malpass cũng cho biết, tới nay WBG đã cung cấp các khoản vay cho khoảng 100 quốc gia chiếm 70% dân số toàn cầu.
 
Châu Âu   
 
Anh vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nặng nề nhất châu Âu với số người tử vong vì Covid-19 lên tới 35.341 người. Trong bối cảnh nhiều thành viên các câu lạc bộ thi đấu tại giải Ngoại hạng Anh được xác định dương tính với Covid-19, cơ hội giải này trở lại vào tháng sau đã trở nên xa vời.
 
Tây Ban Nha đã dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến tàu thủy và chuyến bay thẳng từ Italia. Tuy nhiên, hạn chế du lịch và cách ly 14 ngày vẫn áp dụng với những người trở về từ đất nước hình chiếc ủng. Hiện nay, Tây Ban Nha vẫn là nước đứng đầu châu Âu về số ca nhiễm (278.803 người), nhưng số ca tử vong ở nước này thấp hơn Anh, Italia và Pháp, ở mức 27.778 người.
 
Từ ngày 20-5, công dân Pháp và những người cư trú ở Pháp trở về nước này từ khu vực ngoài EU sẽ phải thực hiện cách ly tự nguyện trong vòng 2 tuần. Quy định này sẽ không có hiệu lực với những người nước ngoài không phải là công dân EU vì liên minh này vẫn đóng cửa biên giới nhằm kiềm chế dịch lây lan. Đến nay, Pháp ghi nhận 180.809 ca mắc Covid-19 và 28.022 ca tử vong.  
 
Trong 3 ngày liên tiếp, Nga ghi nhận số ca nhiễm mới dưới ngưỡng 10.000 người. Trong 24 giờ qua, nước này chỉ có thêm 9.263 trường hợp nhiễm, đưa tổng số ca mắc Covid-19 lên 299.941 ca. Đáng chú ý, có tới 43,1% ca mới không có biểu hiện lâm sàng.
 
Lãnh đạo Đức và 4 nước Visegrad (còn gọi là Nhóm V4) gồm Cộng hoà Séc, Slovakia, Hungary, Ba Lan đã nhất trí dần dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới ngay khi tình hình dịch bệnh cho phép. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến cấp thủ tướng ngày 19-5 giữa Nhóm V4 và Đức.
 
Châu Mỹ
 
Mỹ vẫn là tâm dịch Covid-19 của thế giới với hơn 1.569.187 ca nhiễm và 93.451 ca tử vong. Tuy nhiên, một số bang của nước này đã từng bước nối lại hoạt động kinh tế và thể thao.
 
Bang Texas dự kiến cho phép mở lại các quán rượu từ cuối tuần này. Tại bang Florida, một số nhà hàng và cửa hiệu đã mở cửa ở thành phố Miami và Fort Lauderdale, nhưng các bãi biển trong vùng vẫn phải đóng cửa cho đến khi có thông báo tiếp theo. Tại bang California, các hoạt động thể thao sẽ được nối lại từ đầu tháng 6 song không được có khán giả và phải tiếp tục các biện pháp phòng dịch. Trong khi đó, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 19-5 tuyên bố, thủ phủ bang New York là Albany sẽ chính thức được mở lại các hoạt động kể từ ngày 20-5 sau khi đã đáp ứng đủ 7 tiêu chuẩn ông đưa ra.
 
Biên giới giữa Mỹ và Canada sẽ vẫn đóng đối với các đi lại không thiết yếu cho tới ngày 21-6, thay vì kết thúc trong tuần này theo lịch trước đó.
 
Châu Á
 
Trong bối cảnh đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, Afghanistan đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng nhanh. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 581 ca nhiễm mới trong tổng số 1.200 xét nghiệm được tiến hành, vượt qua “kỷ lục” trước đó là 414 ca/ngày.
 
Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chương trình hỗ trợ tài chính cho các sinh viên gặp khó khăn do tác động của dịch. Nhật Bản sẽ trợ cấp tối đa bằng tiền mặt 200.000 yên (khoảng 1.900 USD)/người cho các sinh viên đang theo học tại khoảng 430.000 trường cao đẳng, đại học, trường kỹ thuật dạy nghề và trường dạy tiếng Nhật đang gặp khó khăn trong việc thanh toán học phí hoặc trang trải chi phí sinh hoạt do Covid-19. Nước này hiện ghi nhận 16.305 ca mắc Covid-19.
 
Tại Đông Nam Á, Singapore dự kiến sẽ nới lỏng các lệnh cấm liên quan tới Covid-19 kể từ ngày 2-6, trong đó cho phép các doanh nghiệp ít nguy cơ lây nhiễm thuộc nhóm sản xuất, tài chính, bảo hiểm và bán buôn vận hành trở lại.
 
Theo Hà Nội mới
 

.