Khu vực châu Á và châu Âu có nguy cơ đối mặt với làn sóng tái bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nếu mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm, trước khi thực hiện các biện pháp diện rộng nhằm nhanh chóng xác định và kiểm soát được các ca nhiễm mới.
Các chuyên gia kinh tế cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo trên ngày 13/5 trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã và đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa, vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Người dân xếp hàng thực hiện biện pháp giãn cách xã hội khi vào chợ tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bài đăng trên blog cá nhân, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF Chang Yong Rhee và Giám đốc khu vực châu Âu Poul Thomsen nhận định lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đã gây ra những tác động to lớn về mặt kinh tế và tâm lý đối với người dân, và việc những quốc gia này nôn nóng sớm nới lỏng các biện pháp này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, họ cho rằng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm sẽ đẩy những thành quả mà các quốc gia này đã đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19 vào vòng nguy hiểm và gây thêm tổn thất vật chất cũng như tính mạng cho người dân. Do đó, các nhà phân tích khuyến cáo các nền kinh tế châu Á và châu Âu khi hoạch định "lối thoát" khỏi các lệnh phong tỏa chưa từng có tiền lệ cần thận trọng và tiến hành từng bước, để ngăn nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát.
Cũng trong bài viết, các chuyên gia kinh tế cho biết hơn 250.000 ca mắc COVID-19 và 9.700 ca tử vong đã được ghi nhận ở Đông và Nam Á, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc chiếm hơn 85% tổng số ca nhiễm. Châu Âu chịu thiệt hại còn nặng nề hơn, với 1,8 triệu người nhiễm bệnh, tương đương một nửa số ca nhiễm toàn cầu, và 160.000 ca tử vong trong tổng số 280.000 trường hợp không qua khỏi do COVID-19 trên toàn thế giới.
Một số nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế song song với việc duy trì những nỗ lực chống dịch như xét nghiệm diện rộng. Một vài tỉnh của Trung Quốc còn thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên. Trong khi đó, châu Âu dường như mở cửa trở lại nền kinh tế sớm hơn Trung Quốc, nơi dịch bệnh khởi phát hồi cuối năm ngoái. Điều này làm gia tăng nguy cơ đối với châu Âu, bởi khả năng xét nghiệm diện rộng, truy dấu và cách ly người nhiễm ở “Lục địa Già” có thể không bằng với các quốc gia ứng phó đại dịch tốt nhất ở châu Á.
Các chuyên gia IMF cũng cảnh báo châu Âu dường như phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn một số quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, mặc dù tới nay chưa có nước nào tự tin tuyên bố chiến thắng dịch bệnh. Đơn cử như Singapore, được đánh giá cao khi khống chế được dịch bệnh từ sớm nhờ các biện pháp nhanh chóng và quy củ, song gần đây đã phải siết chặt các biện pháp hạn chế để đối phó một đợt bùng phát mới. Các chuyên gia cũng nhận định khi các hoạt động trở lại bình thường, Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ hai dù yếu hơn so với đợt đầu.
Hồng Hạnh (TTXVN)