Chính phủ Italia có thể sẽ gia hạn các lệnh phong tỏa trong bối cảnh số ca tử vong vì Covid-19 đã vượt 10.000 người, trong khi số ca nhiễm bệnh gần cán mốc 100.000.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Số người mắc Covid-19 tăng nhanh gây sức ép lớn lên hệ thống y tế của Italia. (Ảnh: EPA) |
Reuters dẫn số liệu từ Cơ quan phòng vệ dân sự Italia cho biết, trong ngày 29/3, nước này ghi nhận thêm 756 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh này tại đây lên 10.779. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số người chết vì Covid-19 ở Italia giảm so với kỷ lục 919 ca tử vong hôm 27/3 và 889 ca hôm 28/3.
Italia hiện là nước có nhiều người chết vì Covid-19 nhất, chiếm hơn 1/3 số ca tử vong vì dịch bệnh này trên thế giới.
Cũng trong ngày hôm qua, Italia ghi nhận thêm hơn 5.200 ca, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 97.689 ca, nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Giới chức y tế Italia cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn số liệu công bố do hiện tại chỉ những người có triệu chứng nghiêm trọng mới được xét nghiệm, trong khi "hàng nghìn người vẫn ở nhà chờ xét nghiệm".
Với hy vọng làm chậm hơn nữa đà lây lan của dịch Covid-19, giới chức Italia được cho là sẽ gia hạn các lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi các lệnh này hết hiệu lực vào ngày 3/4. Theo truyền thông địa phương, lệnh phong tỏa có thể kéo dài thêm 2 tuần cho tới khoảng 18/4. Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza cũng khuyến cáo người dân không nên vội lơ là việc thực thi lệnh phong tỏa vì cho rằng điều đó sẽ khiến nỗ lực ngăn dịch suốt hơn 1 tháng qua của Italia "đổ sông, đổ biển".
Giới chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến số người nhiễm bệnh tăng mạnh và tỷ lệ tử vong ở Italia cao nhất thế giới. Ngoài yếu tố dân số già, chuyên gia cũng chỉ ra tính hiệu quả của các lệnh phong tỏa ở Italia.
Trong khi giới chức Italia tin rằng các lệnh phong tỏa đã giúp làm chậm đà lây lan của Covid-19, thực tế cho thấy chúng mang lại hiệu quả không cao. Tại Trung Quốc, lệnh phong tỏa vùng dịch Vũ Hán với 11 triệu dân bao gồm việc cấm toàn bộ chuyến bay, tàu, xe buýt, chặn các tuyến cao tốc. Lệnh phong tỏa đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc ngăn dịch lây lan. Trong khi đó, Giorgio Palu cựu chủ tịch Viện nghiên cứu virus Italia của Đại học Padova, cho rằng các lệnh phong tỏa ở Italia không nghiêm ngặt như ở Trung Quốc.
Theo Minh Phương/Dân Trí