(Baoquangngai.vn)- Theo số liệu thống kê, tính đến 9h sáng ngày 31/3, thế giới ghi nhận 785.712 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, tăng hơn 58.600 ca so với ngày hôm qua. Số ca tử vong lên tới 37.814, tăng 3.749 ca.
Mỹ ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới với 161.530 trường hợp
Trong khi đó, Lầu Năm Góc thông báo, đã có 1.087 trường hợp mắc Covid-19 là quân nhân, nhân viên dân sự, người phụ thuộc và các nhà thầu trong lực lượng quân đội. Theo thông báo, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong lực lượng quân đội Mỹ đã tăng đột biến vào những ngày cuối tuần.
Cùng ngày, bang Maryland thông báo sẽ ban hành lệnh giới nghiêm, theo đó, người dân bắt buộc phải “ở nhà” trừ một số trường hợp thiết yếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch virus SARS-CoV-2. Bang này đã xác nhận hơn 1.400 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có một trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi và hàng chục người ở một viện dưỡng lão ở Mount Airy.
Ý tiếp tục phong tỏa toàn quốc tới Lễ Phục sinh
Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 30-3, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza thông báo chính phủ sẽ sớm gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc "đến hết Lễ Phục sinh năm nay". Ông Speranza không nêu thời gian cụ thể nhưng Lễ Phục sinh rơi vào ngày 12-4 tới.
Số ca nhiễm mới tại Ý tiếp tục giảm trong ngày 30-3, đánh dấu ngày sụt giảm thứ 5 liên tiếp. Tổng số ca nhiễm tại Ý đã vượt mốc 100.000 người sau khi có thêm 4.050 ca nhiễm mới trong ngày 30-3. Số ca tử vong mới là 812 người, nâng tổng số người chết lên 11.591.
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định dịch bệnh đang dần đi vào ổn định ở Ý song cảnh báo 2 tuần tới sẽ là thời gian quyết định thành bại của các biện pháp chống dịch cứng rắn ở nước này. Một số chính trị gia ở Ý thậm chí còn cho rằng chính phủ nên duy trì lệnh phong tỏa hết tháng 4.
Dịch chậm lại ở Anh
Patrick Vallance, một cố vấn khoa học của chính phủ Anh, ngày 30-3 nhận định lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố hồi tuần trước đã kiềm chặt tốc độ lây lan của virus corona tại nước này.
Số bệnh nhân nhập viện đã ổn định vào mức khoảng 1.000 ca mỗi ngày, ông Vallance cho biết thêm. Tuy nhiên, cần khoảng 2-3 tuần nữa mới có thể xác định được chính xác mức độ lây lan của dịch bệnh.
Vị cố vấn của chính phủ Anh cho biết có khả năng khoảng 3% đã bị nhiễm bệnh nhưng nhiều người không có biểu hiện triệu chứng nào. Số liệu chính thức được công bố ngày 30-3 cho thấy tổng cộng có 22.141 ca nhiễm ở Anh, trong đó 1.408 người đã chết và chỉ mới có hơn 160 người được cho xuất viện.
Pháp: hơn 3.000 ca tử vong
Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp đã tăng lên 3.024 người vào ngày 30-3 sau khi có thêm 418 người chết.
Theo Hãng thông tấn AFP, Pháp đã trở thành quốc gia thứ tư có số người chết vì COVID-19 vượt mốc 3.000 người, sau Trung Quốc, Tây Ban Nha và Ý.
Nhà chức trách Pháp thừa nhận chỉ tính số người chết trong bệnh viện nên cảnh báo số liệu tử vong có thể sẽ cao hơn trong thời gian tới khi bắt đầu kiểm đếm các ca tử vong trong nhà dưỡng lão. Hiện có 5.107 bệnh nhân trong tình trạng nặng cần hỗ trợ duy trì sự sống ở Pháp.
Tây Ban Nha cấm làm đám ma quá 3 người
Chính phủ Tây Ban Nha ngày 30-3 đã cấm tổ chức tang lễ rình rang trong mùa dịch corona, kể cả các buổi đọc kinh cầu nguyện tại nhà và tối đa chỉ có 3 người được phép tham gia lễ hạ huyệt hoặc hỏa táng.
Theo Hãng tin Reuters, hiện Tây Ban Nha là quốc gia áp dụng các biện pháp chống dịch cực đoan nhất châu Âu. Chính quyền Madrid ngày 30-3 cũng noi gương Ý khi ra lệnh ngừng các hoạt động kinh tế không cần thiết trong 2 tuần tới.
7.340 người đã chết vì COVID-19 ở Tây Ban Nha, biến nước này trở thành quốc gia có số người chết nhiều thứ hai thế giới, sau Ý.
Dịch tiếp tục lây lan tại Châu Phi
Nam Phi hiện ghi nhận 1.326 ca nhiễm SARS-CoV-2, tăng 46 ca so với 24 giờ trước đó. Nước này cũng xác nhận ca tử vong thứ 3 do nhiễm SARS-CoV-2.
Nam Phi chuẩn bị huy động 10.000 nhân viên y tế trong một chiến dịch tổng lực nhằm đẩy mạnh công tác xét nghiệm trên diện rộng đối với những trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 và tìm kiếm và cách ly những cá nhân đã có tiếp xúc gần với người bệnh cũng như đã từng ở trong vùng dịch.
Ai Cập phát hiện thêm 47 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1 ca tử vong. Tính đến nay tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Ai Cập đã lên đến 656 trường hợp, trong đó có 41 người tử vong. Ngoài ra, tổng số trường hợp đã khỏi bệnh hiện là 132 người, số ca có kết quả xét nghiệm từ dương tính sang âm tính là 182 người.
Cùng ngày, WHO cho rằng, Ai Cập có cơ hội thực sự để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 song cũng không loại trừ khả năng dịch bùng phát lớn.
Bộ Y tế
Morocco cho biết, số trường hợp được ghi nhận nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng mạnh lên thành 534 người, từ mức 463 của ngày hôm trước, trong đó 33 người đã tử vong.
Kể từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên (ngày 2/3), dịch Covid-19 đã diễn biễn phức tạp tại quốc gia Bắc Phi này. Đến nay, Morocco là quốc gia có số trường hợp nhiễm bệnh cao thứ 4 tại châu lục (sau Nam Phi, Ai Cập và Algeria). Mới đây, ngày 27/3, Chính phủ Morocco đã quyết định bổ sung 200 triệu USD cho hệ thống y tế để nâng cao năng lực đối phó với dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 22/3, Morocco đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế kéo dài trong một tháng, đồng thời áp dụng các biện pháp như đóng cửa biên giới trên đất liền và trên biển, tạm dừng khai thác các chuyến bay chở khách quốc tế để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.