Liên minh Mỹ - Philippines đang đối mặt với thử thách lớn khi Manila trong tuần này tuyên bố sẽ hủy một thỏa thuận quân sự lâu năm với Washington. Song, theo giới quan sát, kế hoạch có vẻ nói dễ hơn làm.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 11/2 đã chính thức thông báo với Đại sứ quán Mỹ tại Manila về ý định chấm dứt Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) kéo dài 2 thập kỷ giữa hai nước.
Mặc dù phát ngôn viên của ông Duterte nói quyết định nhằm giúp Manila độc lập với Washington trong các vấn đề quân sự, nhưng đa số giới quan sát tin rằng động thái này là nhằm trả đũa việc Mỹ hủy thị thực của một trong các đồng minh thân cận của Tổng thống Philippines, người có vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống ma túy của chính quyền ông Duterte.
Ngay sau khi thông tin được loan báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã gọi quyết định của Philippines là "đáng tiếc". Một số nhà phân tích cũng cho rằng, việc chấm dứt VFA sẽ làm phức tạp những nỗ lực của Washington trong việc duy trì lính đồn trú tại châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh có rạn nứt với các đồng minh về sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Nhật và Hàn Quốc cũng như vô số quan ngại an ninh về Trung Quốc và Triều Tiên.
VFA thực sự quan trọng với Mỹ? Câu trả lời là có. Quân đội Mỹ đang hoạt động khắp thế giới nhờ Các thỏa thuận địa vị lực lượng (SOFA) với khoảng 100 quốc gia khác nhau. Tương tự, VFA đặt ra các quy tắc, hướng dẫn và tư cách pháp lý của quân đội Mỹ khi hoạt động tại Philippines.
VFA cũng củng cố Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 và Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng năm 2014, vốn cho phép binh lính Mỹ tiến hành tập trận chung và các sứ mệnh ở Philippines. Việc chấm dứt VFA do đó sẽ khiến quân đội Mỹ không còn căn cứ pháp lý nào để hoạt động ở Philippines cũng như không còn khả năng hậu thuẫn các thỏa thuận phòng thủ đã ký trước đây với Manila.
Theo báo Washington Post, VFA thực tế là sản phẩm của sự tranh chấp liên minh trong quá khứ. Năm 1991, Thượng viện Philippines đã bỏ phiếu không gia hạn thỏa thuận cho lính Mỹ lập căn cứ tại nước này. Quyết định đã dẫn đến việc đóng cửa căn cứ hải quân Vịnh Subic, buộc lính Mỹ phải rút hết khỏi Philippines.
Tuy nhiên, các lo ngại tăng cao về an ninh ở Biển Đông vào giữa những năm 1990, cũng như tốc độ hiện đại hóa chậm chạp của các lực lượng vũ trang Philippines đã buộc Manila phải hồi sinh các quan hệ quốc phòng với Washington bằng cách ký kết VFA năm 1998.
Thượng viện Philippines chính thức phê chuẩn VFA vào năm 1999. Để tránh ấn tượng về việc các lực lượng Mỹ đồn trú vĩnh viễn ở nước này, Thượng viện Philippines nhấn mạnh đến tình trạng "thăm viếng, tạm thời" của quân Mỹ, phù hợp với quyết định năm 1991 của họ về việc bãi bỏ các căn cứ quân sự của Washington.
Tuy nhiên, vào năm 2016, Tổng thống Duterte đã đe dọa sẽ bãi bỏ VFA khi chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama trì hoãn phê duyệt viện trợ cho nước này. Động thái lúc đó của Washington nhằm thể hiện sự phản đối với cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi do ông Duterte khởi xướng.
Theo các chỉ dẫn của Đạo luật Magnitsky toàn cầu, Thượng viện Mỹ đã thông qua sửa đổi một dự luật phân bổ ngân sách hồi tháng 12 năm ngoái, từ chối cho nhập cảnh đối với các cá nhân liên quan đến việc bắt giữ Thượng nghị sĩ Philippines Leila de Lima, một người công khai chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte.
Đây nhiều khả năng là lý do chính phủ Mỹ đã hủy bỏ thị thực của Thượng nghị sĩ Ronald dela Rosa, cựu chỉ huy cảnh sát Philippines giai đoạn 2016 - 2018 và cũng là đồng minh thân cận ông Duterte cuối tháng 1 vừa qua. Tất nhiên, nhà lãnh đạo Manila đã rất giận dữ khi biết tin này và thề sẽ trả đũa.
Trước sự cố, ông Duterte đã nhiều lần tỏ ra không hài lòng với Washington, bất chấp mối quan hệ tích cực giữa Philippines và Mỹ trong hai thập niên qua. Ông cáo buộc Mỹ "đạo đức giả", "đối xử tệ bạc", đồng thời thề sẽ không bao giờ đến nước này. Ông thậm chí tiết lộ bản thân từng một lần bị Washington từ chối cấp thị thực.
Ông Duterte có thể duy trì quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng điều này không đồng nghĩa với liên minh lớn mạnh giữa hai nước. Thay vào đó, người đứng đầu Philippines công khai mời gọi các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khi tìm cách đưa đất nước ra khỏi quỹ đạo của Washington, bất chấp khuyến nghị của các cố vấn chủ chốt.
Tuy nhiên, liệu ông Duterte thực sự sẽ xé bỏ VFA? Trong hầu hết các phát biểu công khai, ông Duterte tỏ ra nghiêm túc và cương quyết muốn hủy bỏ thỏa thuận quân sự với Mỹ. Song, các nhà phân tích đã chỉ ra những lý do khiến ý định này "nói dễ hơn làm".
Trước tiên, hệ thống an ninh Philippines vẫn coi trọng liên minh với Mỹ. Các lực lượng vũ trang của quốc gia Đông Nam Á này đang tiếp tục được hưởng lợi từ VFA, tiếp nhận sự hỗ trợ quân sự, huấn luyện, đào tạo và các vũ khí từ Mỹ.
Mặc dù Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines từng đề cập đến nhu cầu xem xét lại thỏa thuận và phát triển một nền quốc phòng tự lực tự cường, nhưng hai quan chức này chưa từng công khai kêu gọi chấm dứt VFA. Các nhà lập pháp chủ chốt của Philippines cũng đã kêu gọi tổng thống cân nhắc lại quyết định của ông về VFA.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ liệu ông Duterte có đủ quyền hạn theo Hiến pháp để bãi bỏ một thỏa thuận quốc tế được Thượng viện phê chuẩn hay không. Các thượng nghị sĩ Philippines vẫn chia rẽ về việc liệu ông Duterte có thể đơn phương khai tử VFA hay không. Một số nhà lập pháp thậm chí còn đề nghị Tòa án Tối cao vào cuộc, ra phán quyết về tính hợp pháp của quyết định nói trên.
Hơn thế nữa, việc duy trì VFA và liên minh với Mỹ còn được đánh giá có ý nghĩa quan trọng với an ninh quốc gia của Philippines trong bối cảnh nước này vẫn còn tranh chấp lãnh thổ cũng như lo ngại về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong dư luận của Philippines cũng có nhiều nghi ngại về các khoản đầu tư của Bắc Kinh. VFA và liên minh với Mỹ do đó sẽ đóng vai trò như chính sách bảo đảm cho Manila.
Giữa lúc vẫn còn nhiều sự ủng hộ liên minh với Mỹ, các lãnh đạo chính trị Philippines có thể cũng muốn tránh một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn khi họ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2022. Dù còn hai năm nữa các cuộc bỏ phiếu mới diễn ra nhưng các chính khách Philippines có lẽ không muốn tái hứng chịu tổn thất như trong quá khứ, khi quyết định bãi bỏ các căn cứ Mỹ tại nước này từng khiến Manila mất nhiều năm mới khôi phục được liên minh với Washington.
Trả lời phỏng vấn báo chí tại Nhà Trắng hôm 12/2, bản thân Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố "không quan tâm" làm gì đó khiến chính quyền Duterte phải thay đổi quyết định. Ông Trump thậm chí nói, việc chấm dứt VFA sẽ giúp Washington "tiết kiệm được rất nhiều tiền".
Manila và Washington hiện có 180 ngày để tái đàm phán về VFA trước khi thỏa thuận hết hạn. Những chỉ trích thường xuyên của các nhóm hoạt động xã hội trong nước đối với VFA có thể khiến Tổng thống Duterte tìm cách điều chỉnh các điều khoản của thỏa thuận. Song, ông được tin khó có khả năng vĩnh viễn khai tử VFA vì sự phản đối nội bộ cũng như các quan ngại chiến lược sâu rộng hơn.
Tuấn Anh/VNN